Điện Biên: Nỗ lực phòng, chống tội phạm buôn bán người

Thứ năm, 28/04/2016 10:35
(ĐCSVN) - Là tỉnh có đường biên giới dài trên 420 km, với 21 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80%, trình độ dân trí của bà con còn có những hạn chế nhất định…, do đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên luôn xác định việc phòng, chống tội phạm buôn bán người là vấn đề có ý nghĩa quan trọng…

Tuyên truyền, phổ biến phòng, chống tội phạm buôn bán người cho học sinh ở huyện Mường Chà (Điện Biên)
 Ảnh: QĐ

Tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người đã được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện tương đối có hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ý thức cảnh giác của người dân ở các khu vực giáp biên đã phần nào được nâng lên; nhiều nạn nhân bị mua bán đã được hỗ trợ, giúp đỡ trở về địa phương ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, đánh giá của các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, tình hình tội phạm buôn bán người trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đặc biệt là tại các khu vực giáp biên và vùng sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Thái thuộc các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… Thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây (2011 - 2015), lực lượng chức năng ở Điện biên đã phát hiện 48 vụ mua bán người với 115 nạn nhân, chủ yếu số nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và bán sang Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện 11 vụ mua bán người sang Trung Quốc với 15 nạn nhân bị mua bán.

Cơ bản, các đối tượng đều có chung phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội đó là tìm đến các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh thiếu thốn, điều kiện kinh tế khó khăn… từ đó lừa gạt người dân một cách tinh vi thông qua những lý do như giúp họ tìm việc làm; rủ nạn nhân cùng đi làm ăn, buôn bán, du lịch, thăm thân… Sau khi đưa được nạn nhân sang bên kia biên giới, các đối tượng này sẽ nhanh chóng bán nạn nhân cho các đối tượng người Trung Quốc để ép làm vợ hoặc buộc làm gái bán dâm. Điều đáng nói là tại một số địa bàn vùng sâu, đã xuất hiện những đối tượng vốn là người địa phương nhưng đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm hoặc lấy chống bất hợp pháp; nay lại trở về địa bàn (dưới danh nghĩa thăm thân) để cấu kết với một số đối tượng xấu nhằm lừa gạt và đưa nạn nhân bán sang Trung Quốc. Cháu Giàng Thị O, ở bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) cho biết: “Nhà nghèo, nghe lời rủ đi bán quần áo thuê nên cháu cũng đi theo. May cho cháu là có các chú bộ đội biên phòng phát hiện chứ không thì không biết giờ này cuộc sống của cháu như thế nào nữa!”. Giàng Thị O được lực lượng bộ đội biên phòng Điện Biên giải cứu khi đang theo các đối tượng buôn bán người tìm cách trốn sang bên kia biên giới. Song không phải nạn nhân nào cũng may mắn được như O bởi hiện nay, trên địa bàn một số huyện như Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé vẫn có hàng chục phụ nữ, trẻ em “vắng mặt không rõ lý do”.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhất là mạng xã hội, facebook, mạng Internet…, nhiều đối tượng còn tìm cách tạo mối quan hệ thân quen, giả yêu đương để lừa dụ nạn nhân hoặc lợi dụng phong tục của bà con (như tục bắt vợ của người Mông) để lừa nạn nhân đi cùng với lý do ra mắt bố mẹ ở các tỉnh giáp biên rồi tìm cơ hội bán nạn nhân sang Trung Quốc. Một số đối tượng còn lợi dụng tâm lý lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi, muốn lấy chồng giàu sang để lừa gạt, giới thiệu chị em lấy chống người Trung Quốc những thực chất là lừa bán nạn nhân để kiếm lời bất chính. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn xuất hiện tình trạng một số đối tượng môi giới, lôi kéo và đưa người xuất cảnh trái phép đi làm thuê. Theo thống kê, trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện trên 1.290 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng thực hiện hành vi buôn bán người.

Nỗ lực ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm

Thực tế ở tỉnh Điện Biên thời gian vừa qua cho thấy, tội phạm buôn bán người đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài không chỉ đối với nạn nhân mà còn trực tiếp ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Tình trạng phụ nữ, vắng mặt trái phép luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, phá vỡ sự bình yên trong đời sống của gia đình các nạn nhân và đe dọa sự ổn định của tình hình trật tự an ninh; đồng thời, những nạn nhân của tội phạm buôn bán người (ngay cả khi đã được giải cứu) thì vẫn luôn chịu nhiều áp lực lớn về tâm lý, cũng như phải đối mặt với những “rào cản vô hình” trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó, nhằm mục đích ngăn ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Điện Biên đã thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng, trực tiếp là Công an và Bộ đội Biên phòng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng tội phạm buôn bán người. Lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, xử lý nghiêm các vụ mua bán người đúng theo quy định của pháp luật. Công tác phối hợp quốc tế trong tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị buôn bán cũng được thực hiện có hiệu quả. 

Chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại cơ sở đã thực sự “đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ” những nạn nhân bị buôn bán khi họ được giải cứu, trở về địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan chức năng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền làm tốt việc tiếp nhận, hỗ trợ gần 70 lượt nạn nhân bị mua bán trở về với gia đình. Phần lớn nạn nhân đều được tạo điều kiện thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cùng cộng đồng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên cho biết: Đại đa số nạn nhân trong các vụ buôn bán người đều là phụ nữ, trẻ em; vì vậy sự chung tay của cả cộng đồng có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm nghiêm trọng này.

Thiết nghĩ, để công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người thực sự có hiệu quả bền vững, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện biên cần nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của bà con nhân dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao; phát huy tốt tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác của người dân đối với tội phạm buôn bán người. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội, từ đó sớm đẩy lùi tội phạm buôn bán người trên địa bàn, giữ gìn cuộc sống bình yên cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực