Giải pháp nào để hạn chế rủi ro khi gửi tiền tại ngân hàng?

Thứ tư, 28/02/2018 17:58
(ĐCSVN) - Xung quanh vụ việc một khách hàng gửi tiền tiết kiệm bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng, chuyên gia pháp lý cho rằng, mọi rủi ro phía ngân hàng phải gánh chịu. Đồng thời, khách hàng gửi tiền cũng cần tham khảo kỹ một số giải pháp phòng rủi ro trước khi thực hiện giao dịch.
Sổ tiết kiệm gốc của khách hàng mất 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
(Ảnh: dantri.com.vn)

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Trước hết, phải xác định khách hàng gửi là bà Chu Thị Bình gửi tiền vào Eximbank dưới hình thức gửi tiền tiết kiệm. Theo đó quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai bên không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản mà là hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Bởi vì:

Việc gửi giữ tài sản chỉ là sự chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản từ bên gửi sang bên giữ, tài sản gửi giữ vẫn thuộc quyền sở hữu của bên gửi, bên giữ không tự có quyền sử dụng, định đoạt tài sản nhận giữ và sự chuyển giao trên nhằm đến nội dụng bên giữ có trách nhiệm nhận tài sản để bảo quản và có nghĩa vụ trả lại chính tài sản ấy, được thu tiền công, tức phí giữ hộ tài sản, trừ khi có thoả thuận không thu phí (Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015).

Còn việc vay tài sản lại không đặt vấn đề trách nhiệm hoàn trả đúng tài sản đặc định đã nhận mà bên vay chỉ phải trả tài sản cùng chủng loại, cùng số lượng, chất lượng và có nghĩa vụ trả lãi theo thoả thuận (Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015), trong thời hạn vay bên vay là chủ sở hữu tài sản vay nên được khai thác công dụng của tài sản để sinh lợi (Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015).

Thực tế, khi tiếp nhận tiền gửi, NHTM và khách hàng đã mặc nhiên thoả thuận nội dung: NHTM được toàn quyền sử dụng tiền gửi để đầu tư cho các mục đích kinh doanh hợp pháp của mình với điều kiện có hoàn trả theo phương thức đã thoả thuận (vốn, lãi, dịch vụ), số dư trên tài khoản tiền gửi là khoản Nợ phải trả của ngân hàng đối với khách hàng.
Như vậy, trong vụ việc này, bà Bình là chủ nợ của Eximbank kể từ ngày giao 245 tỷ đồng cho Ngân hàng. Bởi lúc đó bà Bình không còn là chủ sở hữu đối với số tiền này nữa mà chuyển giao cho Eximbank theo Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015.

Chính vì Eximbank là chủ sở hữu đối với số tiền này nên mọi rủi ro Eximbank phải gánh chịu (Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015).

Do đó, việc ông Lê Nguyên Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Eximbank tức là chiếm đoạt tiền của Eximbank chứ không phải tiền của bà Bình.

Từ đó có thể khẳng định Eximbank là bị hại, còn khoản nợ mà Eximbank nợ bà Bình vẫn nguyên giá trị. Eximbank phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trả cho bà Bình khi đến hạn, mà không hề liên quan đến quá trình tố tụng trong việc xử lý ông Hưng.

Liên quan đến vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng người bị hại là bà Bình. Có thể nhận định này dựa trên yếu tố hồ sơ, tài liệu của bà Bình đã bị làm giả, trên hệ thống ngân hàng không còn định mức số tiền này. Nhưng tiền không phải là vật đặc định, nên không thể đồng nhất với việc bị chiếm đoạt tài sản là vật đặc định.

 

Không có chuyện Eximbank sau khi nhận tiền của bà Bình sẽ đem niêm phong bỏ vào két sắt, chờ đến hạn lấy ra trả lại cho bà. Bởi vì tiền mà bà Bình gửi đã được Ngân hàng đem đi sử dụng, nên tài sản mà bà Bình nắm giữ là quyền đòi nợ đối với Eximbank. Do đó việc dựa vào hồ sơ, tài liệu của bà Bình bị làm giả, để đi đến khẳng định tiền của bà bị mất là không đúng về pháp lý. Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu của bà Bình chỉ là phương tiện/phương thức mà ông Hưng nhằm chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng.

 

Luật sư Lê Ngọc Hoàng. (Ảnh: QC)

Đặt ra vấn đề làm cách nào để hạn chế rủi ro cho khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng cũng như cho chính phía ngân hàng, Luật sư Lê Ngọc Hoàng đã đề xuất ra một số giải pháp sau:

Tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Quy định này là cần thiết giúp ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra khi cán bộ, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch NH làm việc quá lâu ở một vị trí và nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ đồng nghiệp, khách hàng nhưng sau đó là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người gửi.

Tổ chức tín dụng cần chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo liên quan đến giao dịch tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Các nhà băng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng cần phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi...

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức tín dụng. Song song đó, nhà băng phải thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch đúng quy định. Tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của ngân hàng.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các nhà băng kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia giao dịch./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực