Giải quyết tố cáo đối với cả người đã nghỉ hưu, chuyển công tác

Thứ bảy, 05/01/2019 14:45
(ĐCSVN) - Luật Tố cáo 2018 bổ sung nhiều quy định mới thể hiện rõ nét hơn tinh thần mới của Hiến pháp 2013, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế hữu hiệu cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; tránh tình trạng tố cáo tràn lan, vượt cấp...

Tránh tình trạng tố cáo tràn lan, vượt cấp

Một điểm mới của Luật Tố cáo 2018 là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ.

Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, Luật Tố cáo quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtc.vn.

Đáng chú ý, Luật bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Sẽ xem xét với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng

Liên quan đến quy định về hình thức tố cáo, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật tố cáo mới vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như Luật 2011 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật tố cáo 2018 gần đây, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay, quá trình thảo luận cho ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến rất có lý, cho rằng chúng ta không nên bỏ qua những hình thức tố cáo bằng thư điện tử, bản fax... Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính khả thi, bởi cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết tố cáo sẽ phải bố trí một nguồn nhân lực rất lớn.

Song đối với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo

Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật. Do vậy, Luật đã bổ sung Chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ các nghĩa vụ có liên quan đã được xác định tại kết luận nội dung tố cáo. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm của mình….

Luật Tố cáo mới đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các vấn đề cơ bản liên quan tới người được bảo vệ , phạm vi bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục bảo vệ và các biện pháp bảo vệ  nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật Tố cáo gồm 9 chương 67 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực