Gìn giữ hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài

Thứ hai, 20/04/2020 20:25
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh với người lao động được đi làm việc ở nước ngoài có hành vi vi phạm bởi liên quan đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
 Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo luật gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ.

Các ý kiến nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc người Việt ra nước ngoài lao động không chỉ là câu chuyện làm kinh tế, mà còn liên quan đến thể diện của Việt Nam với thế giới.

Tuy niên, điều đáng buồn là có không ít thông tin được phản ánh về việc người lao động Việt Nam như: đánh bài, nhậu nhẹt... ảnh hưởng tới thể diện quốc gia. Gần đây nhất, dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã bộc lộ thực tế là có một lượng lớn người Việt Nam ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, gây khó cho cơ quan đại diện ngoại giao trong việc bảo hộ công dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tổng thể chung việc này đã giải quyết được việc làm, thu nhập cho gia đình người lao động. Nhiều người khi đi lao động hợp pháp có cuộc sống đã khá lên nhưng cũng có những trường hợp đi ra nước ngoài làm những công việc không xứng đáng, ảnh hưởng đến sỹ diện quốc gia, dân tộc và có những trường hợp rất thương tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành đã 13 năm nay. Trong thời gian này xã hội đã phát triển, có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ Luật Lao động đã sửa đổi hai lần, Luật Dạy nghề chuyển thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và nhiều luật khác có liên quan cũng đã sửa đổi, bổ sung. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ.

Về nội dung dự luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội. Cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giai đoạn này phải có cách nhìn khác so với trước đây khi đất nước đã mở cửa, thời đại hiện đại hoá, cách mạng công nghiệp 4.0. Lâu nay ta chủ yếu đưa lao động chưa qua đào tạo, giản đơn, thu nhập thấp và ở lĩnh vực mà lao động nhiều nước không muốn làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh luật phải khắc phục, xử lý được bất cập, hạn chế của luật hiện tại cũng như việc tổ chức thực hiện luật. Nhiều sai phạm cho thấy tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng rất nhiều, người lao động bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép. Người lao động ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập mà còn liên quan đến hình ảnh, danh dự đất nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp tập quán nước sở tại, tăng cường quản lý nhà nước..../.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực