Gỡ “vướng” trong thực hiện thủ tục thi hành án dân sự

Thứ sáu, 08/03/2019 18:19
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, ngày 8/3.

Tại cuộc họp: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Mai Lương Khôi cho biết: Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan THADS địa phương và thực tiễn áp dụng, hiện có 24 vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong đó, các nội dung đề nghị sửa đổi chủ yếu tập trung tới các quy định về trình tự, thủ tục THADS.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì cuộc họp. Ảnh: TH.

Cụ thể, Nghị định số 62/NĐ-CP đã bổ sung quy định cơ quan THADS từ chối đơn yêu cầu thi hành án (THA) khi bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải THA, nghĩa vụ phải THA. Song, trên thực tế nhiều vụ việc chỉ cần một  tiêu chí “không xác định được người phải THA” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải THA” là đã không tổ chức THA được. Do đó, các cơ quan THADS đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 7 Nghị định theo hướng: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu THA theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định “không xác định được người phải THA” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải THA”.

Về thông báo thi hành án, các cơ quan THADS đề nghị bổ sung thêm quy định về việc Chấp hành viên tiến hành lập biên bản và giải thích cho người yêu cầu biết về việc không tiến hành thủ tục tống đạt văn bản hoặc sẽ sao lưu tài liệu thể hiện việc đã thông báo để lưu hồ sơ và chi phí của việc sao lưu do người yêu cầu chịu.

Liên quan tới ủy quyền xác minh điều kiện THA, khoản 2, Điều 9 Nghị định đã bổ sung quy định về ủy quyền xác minh, nhưng chưa quy định rõ việc xử lý trong trường hợp nếu bên nhận ủy quyền không trả lời hoặc trả lời quá thời hạn, dẫn đến việc chậm trễ trong tổ chức THA. Do đó, cần sửa đổi theo hướng: Trong trường hợp ủy quyền xác minh, nếu bên được ủy quyền không trả lời hoặc trả lời quá thời hạn, dẫn đến gây hậu quả thiệt hại cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải bồi thường theo quyết định của người có thẩm quyền (nếu có)…

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần rà soát, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để dự thảo Nghị định bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và tính khả thi trên thực tế…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực