Góp ý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Thứ sáu, 21/02/2020 16:10
(ĐCSVN) - Khẳng định việc góp ý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công là cần thiết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đây là Luật mới để đáp ứng nhu cầu, nguồn lực phát triển đất nước cũng như để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Kiện toàn Mặt trận cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính

Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp

Ngày 21/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội.

Thông tin về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Cục Trưởng Cục đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trương cho biết, Dự án Luật được xây dựng theo quan điểm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA) 

Dự thảo Luật gồm 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới về mối quan hệ của Luật PPP và một số luật cơ bản có liên quan để bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống pháp luật; Hội đồng thẩm định dự án PPP; trình tự thực hiện dự án PPP; …

Trong đó, điều 101 của Luật PPP quy định về giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án. Theo đó, các dự án PPP chịu sự giám sát của cộng đồng trên địa bàn thực hiện dự án. MTTQ Việt Nam các cấp sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng và phản biện xã hội. Nội dung giám sát tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư…

Hiện nay, theo kết quả khảo sát và báo cáo của MTTQ Việt Nam tại 62/62 tỉnh, thành phố, trên cả nước có 12.946 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) trên tổng số 11.159 xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên Ban GSĐTCCĐ là 92.285 người. Tổng số cuộc GSĐTCCĐ được thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2018 là 32.875 cuộc; số việc kiến nghị, xử lý là 4.847 vụ việc; số việc được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết là 3.929 vụ…

Góp ý vào dự án Luật, các đại biểu cho rằng, các luật hiện nay quy định chưa đồng bộ, chưa thống nhất về ngôn ngữ nên các hoạt động GSĐTCCĐ rất khó khăn. Mặt khác, Mặt trận chủ trì GSĐTCCĐ, Mặt trận có quyền giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật. Tuy cơ chế giám sát của Mặt trận tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa sát với thực tiễn cuộc sống. Mặt trận thành lập ra Ban GSĐTCCĐ và gần như giao khoán cho các thành viên của Ban. Tuy nhiên, nếu khoán trắng như hiện nay sẽ gây ra nhiều khó khăn vì số lượng thành viên tham gia ban giám sát không nhiều, trình độ từng thành viên giám sát không đồng đều…

Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, cần quy định rõ vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong việc lập kế hoạch, thành lập đoàn giám và thành lập Ban GSĐTCCĐ đối với dự án PPP. Phải làm rõ sự khác biệt giữa đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của HĐND và MTTQ Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, Luật cần nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận từ hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ các cấp và Ban GSĐTCCĐ vì thực tế hiện nay, ở một số nơi, ý kiến của Ban GSĐTCCĐ gửi đến chủ đầu tư không được giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân và dẫn đến hiện tượng khiếu kiện kéo dài.

GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng nội dung trong dự án Luật PPP cũng liên quan tới nội dung trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn… Chính vì vậy cần phải xem xét kỹ nội dung đề cập trong các điều khoản, tránh hiện tượng khi một bộ luật ra đời thì phải chỉnh sửa rất nhiều bộ luật đã ra đời trước đó.

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên Nguyễn Tuấn Anh góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:TA) 

Tuy nhiên, từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, qua hoạt động thực tế, năng lực của các thành viên Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở rất yếu. Ở nông thôn không giống như các thành phố lớn. Ở thành phố rất dễ huy động các chuyên gia, các nhà khoa học cùng tham gia Ban giám sát nhưng ở nông thôn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trình độ không cao nên việc huy động giám sát không tốt như mong muốn. Nếu đưa nội dung này vào dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Khẳng định việc góp ý Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công là cần thiết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đây là Luật mới để đáp ứng nhu cầu, nguồn lực phát triển đất nước cũng như để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước rất muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nâng cao chất lượng đầu tư công, nâng cao chất lượng công trình thông qua GSĐTCCĐ. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện luật này, ưu điểm có, hạn chế có. Trong đó, khó khăn của Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở đó là đọc hồ sơ, đọc bản thiết kế. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư không cung cấp thông tin thì Ban GSĐTCCĐ sẽ không có chế tài để xử lý. Do đó, để phát huy được nội dung này, Luật cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực