Hà Nội phấn đấu năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%

Thứ tư, 04/12/2013 16:00

(ĐCSVN) - Sáng 4/12, kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Các đại biểu cho rằng, Nghị quyết nên chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề
chứ không nên chạy theo số lượng - Ảnh: TA
 


Mục tiêu của Nghị quyết nhằm phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành độ ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 40% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 28%). Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 55% (trong đó đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên 40%). Đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 90%.

Phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất 1 trung tâm dạy nghề hoặc 1 trường trung cấp nghề hoặc 1 trường cao đẳng nghề. Đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc Thành phố nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đầu tư nâng cấp một số trường cao đẳng nghề thành trường dạy nghề chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế, một số trung tâm dạy nghề thành trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.

Đến năm 2015, Thành phố có 14 trường cao đẳng nghề; 32 trường trung cấp nghề, 57 trung tâm dạy nghề. Đến năm 2020, có 21 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 66 trung tâm dạy nghề. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề.

Về phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, đến năm 2015 có 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định. Đến năm 2020 có 30% số giáo viên dạy cao đẳng nghề và trung cấp nghề có trình độ sau đại học. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 50% số giáo viên có trình độ sau đại học.

Theo quy hoạch, đến năm 2015 giữ nguyên các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hiện có đang hoạt động đúng quy định của pháp luật và có hiệu quả. Điều chỉnh đối với các trường hoạt động không hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề để đảm bảo quy mô và chất lượng dạy nghề. Đến năm 2020, có 6 trường cao đẳng nghề công lập thuộc Thành phố và 15 trường ngoài công lập, trong đó thành lập mới 05 trường cao đẳng nghề ngoài công lập ở các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sơn Tây, Mỹ Đức. Đến năm 2030, có khoảng 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề do Thành phố quản lý và ngoài công lập.

Tuy nhiên, trước khi biểu quyết, các đại biểu đã tập trung đóng góp một số ý kiến cần làm rõ. Đó là cần ưu tiên tập trung đầu tư cho một số nghề tiêu biểu, thế mạnh của Thủ đô; tập trung khắc phục sự yếu kém hiện tại của các cơ sở đào tạo nghề, thay vì tập trung quá lớn cho đầu tư mới. Chú trọng việc liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả trong việc dạy nghề. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa mạnh mẽ việc học nghề để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố quy hoạch cần tập trung vào chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng. Song song với đó cần đánh giá kỹ thực trạng của các trung tâm, các trường dạy nghề hiện nay trên địa bàn thành phố./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực