Hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện

Thứ ba, 11/06/2019 18:16
(ĐCSVN) – Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện chiều 11/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.

Dự thảo Luật Thư viện có 7 Chương, 51 Điều; trong đó có các quy định chung; thành lập thư viện; hoạt động của thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện; điều khoản thi hành...

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dự án Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thực tế khảo sát cho thấy, hiện nay hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới. Vì vậy, cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, rất nhiều nước đã ban hành Luật Thư viện với tinh thần chung là khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, phát triển con người. Do đó, dự luật Thư viện của Việt Nam cũng cần quy định và phân biệt sự đầu tư của Nhà nước ở ba mức độ: Ưu tiên, bảo đảm, hỗ trợ.

Đại biểu cũng cho biết, thư viện trường học có vai trò quan trọng đối với mỗi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thư viện trường học ở nước ta trong thời gian qua không thu hút được sự quan tâm của học sinh, do đó trong Dự luật này cần nghiên cứu và quy định rõ đối với thư viện trường học các vấn đề sau: Tên gọi của các thư viện; đối tượng phục vụ của thư viện; cán bộ làm công tác thư viện; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hướng dẫn hoạt động...

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự luật, góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển thư viện; phát triển văn hóa đọc; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, theo đại biểu, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong Luật, để thư viện cộng đồng có thể duy trì và phát triển.

Khẳng định sự cần thiết phải cho ra đời Luật Thư viện, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho biết, đây là thời điểm cần thiết để ban hành đạo luật về thư viện. Tuy nhiên, cần tiếp cận ở góc độ đổi mới cách nhìn nhận về thư viện, tạo hành lang pháp lý để hiện đại hóa thư viện chứ không phải nâng cao pháp lệnh về thư viện. Thư viện là để giúp con người đi tìm kiến thức mới. Vì thế, cần xác định, quy định rõ các loại hình thư viện và công tác quản lý nhà nước về thư viện; đào tạo nguồn nhân lực thư viện cho phù hợp với thời đại công nghệ số…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực