Hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định về các tội xâm hại tình dục

Thứ tư, 24/07/2019 21:14
(ĐCSVN) – Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như quốc tế.

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Tọa đàm tham vấn Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm hại tình dục. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: TH.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này; thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41 của Quốc hội và Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội xâm hại tình dục nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như quốc tế.

Báo cáo dẫn đề về dự thảo Nghị quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Chí Công cho biết, thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em. Hình phạt dành cho tội phạm này là nghiêm khắc.

Tuy nhiên, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ và đối tượng có hành vi xâm hại thường rất khôn khéo để che đậy hành vi phạm tội của mình, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân.

Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục; nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất; nhiều gia đình không tố giác tội phạm do sợ ảnh hưởng đến tương lai con em hoặc khai báo chậm nên rất khó khăn trong khâu thu thập, đánh giá chứng cứ…

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS về các tội xâm hại tình dục. Theo đó, Nghị quyết hướng dẫn xác định cụ thể thế nào là hành vi giao cấu; hành vi quan hệ tình dục khác; hành vi dâm ô; hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm; một số tình tiết định khung hình phạt; nguyên tắc xử lý người phạm tội… Dự thảo Nghị quyết tập trung vào hướng dẫn một số tình tiết định khung hình phạt.

Dự thảo Nghị quyết quy định: Việc xét xử và áp dụng hình phạt đối với người phạm các tội quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS phải bảo đảm nghiêm khắc. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trường hợp hành vi phạm tội gây bức xúc dư luận xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì không cho hưởng án treo.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe chuyên gia luật pháp và giới của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) trình bày và phân tích định nghĩa về các loại hình xâm hại tình dục và bạo lực tình dục trẻ em theo chuẩn mực quốc tế; thủ tục điều tra và xét xử nhạy cảm với người chưa thành niên để hỗ trợ người chưa thành niên cung cấp lời khai hiệu quả và giảm sang chấn khi tham gia vào quá trình tố tụng.

Theo báo cáo của TANDTC, trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), Tòa án đã thụ lý 8.254 vụ án xâm hại tình dục trẻ em /8892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7.586 vụ án/8.113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/ 612 bị cáo.

Thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực