Khó khăn trong định giá tài sản thi hành án ​

Thứ hai, 04/06/2018 21:21
(ĐCSVN) – Hiện nay, việc lựa chọn các tổ chức thẩm định giá để ký hợp đồng chủ yếu dựa trên cảm tính nên vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức đưa ra giá quá cao hoặc quá thấp dẫn đến đương sự khiếu nại về giá hoặc tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng không bán được.

Đây là vấn đề được bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) thông tin tại Hội thảo thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam, do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 4/6, tại Hà Nội.

Bà Lê Thị Kim Dung cho biết, qua kết quả khảo sát đánh giá thực hiện quy trình tổ chức THADS và tổ chức triển khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS tại một số cơ quan THADS, chi nhánh các ngân hàng, công ty đấu giá tài sản, Văn phòng Thừa phát lại và các đương sự tại các Chi cục THADS tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đồng Nai, đa số các đối tượng phỏng vấn đều đánh giá cao mức độ cần thiết, tính khả thi, thiết thực của quy trình. Việc biết đến quy trình   thời hạn đã giúp đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan nắm bắt được quy trình tổ chức thi hành một vụ việc, thuận lợi trong việc tiếp cận, yêu cầu, tham gia giám sát cơ quan THA tổ chức THA.

Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) thông tin tại Hội thảo.
(Ảnh: TH).

Mặc dù quy trình tổ chức THADS thống nhất, tuy nhiên quy trình này chưa được phổ biến rộng rãi tới đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhiều trường hợp đương sự chưa nắm được cách thức áp dụng quy trình hoặc do vẫn còn tâm lý yêu cầu Chấp hành viên hướng dẫn; trong trường hợp có phát sinh vướng mắc thì chưa mô tả, chưa có chỉ dẫn áp dụng. Đặc biệt, quy trình tổ chức THADS đối với doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn như xác minh điều kiện THADS, chưa có cơ chế tiếp cận, cung cấp thông tin…

Đáng chú ý, trong công tác thực hiện đấu giá tài sản, hiện nay, chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng của các tổ chức thẩm định giá, việc lựa chọn các tổ chức thẩm định giá để ký hợp đồng chủ yếu dựa trên cảm tính nên vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức đưa ra giá quá cao hoặc quá thấp dẫn đến đương sự khiếu nại về giá hoặc tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng không bán được.

Trong khi đó, việc quy định lựa chọn tổ chức thẩm định giá thực hiện sau quá trình kê biên dẫn đến việc chênh lệch đáng kể về giá tài sản kê biên. Thực tế cho thấy nhiều chính quyền địa phương thiếu sự hỗ trợ cho tổ chức bán đấu giá thực hiện các thủ tục niêm yết, đi xem xét hiện trạng tài sản...

Chi cục trưởng Cục THADS Bắc Từ Liêm Phạm Ngọc Dũng cũng phản ánh khó khăn trong thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng bởi khi cơ quan điều tra áp dụng biện pháp kê biên nhưng lại không truy tìm nguồn gốc tài sản, sau khi bán đấu giá mới phát sinh tranh chấp quyền sở hữu dẫn đến khó khăn trong thi hành án này.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng NH Quang và Cộng sự) nêu thực tế, các thông tin hướng dẫn về thủ tục hành chính (TTHC), quá trình xử lý, giải quyết vụ việc THADS không được cập nhật hoặc chưa có thông tin, quy trình thực tiễn áp dụng tại cơ quan THADS, thậm chí có website đưa trực tiếp văn bản để người dân, doanh nghiệp tự tìm hiểu; việc áp dụng TTHC trực tuyến theo dịch vụ hành chính công cấp độ 3 hiện mới thí điểm ở một số nơi…

Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản; nâng cao năng lực, trách nhiệm của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, kiên quyết xử lý nghiêm các chấp hành viên có hành vi sai phạm. Đồng thời, cần quy định rõ ràng về TTHC trong lĩnh vực THADS theo hướng tiết kiệm về thời gian và chi phí cho người được THA, xây dựng chế định pháp lý đối với các hoạt động, thủ tục THADS bằng phương thức điện tử…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực