Kiến nghị tăng nặng hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em

Thứ tư, 27/05/2020 14:11
(ĐCSVN) - Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em

Cho ý kiến nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em và mong muốn sớm phát hiện, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại. Từ thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc, đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… Những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài.

“Các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… những đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi: liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?” - đại biểu Ngọc Phương bức xúc.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). (Ảnh: TL)

Theo đại biểu Ngọc Phương, qua giám sát đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong văn bản pháp luật, cụ thể: nhiều quy định về tội ấu dâm chưa bảo đảm; chưa có phòng xử án thân thiện; chưa có cơ chế điều tra phù hợp với trẻ em… Bên cạnh đó, nhiều trẻ em bị xâm hại do cha mẹ đi làm xa, cha mẹ ly hôn, trẻ em lang thang cơ nhỡ… Có tình trạng trẻ em bị xâm hại qua mạng, trong đó, nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em như tự tử, tự làm hại mình. “Tất cả những thực tế đó khẳng định, giám sát của Quốc hội cần phải có một sự đột phá đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe và có hệ thống, tiếp nhận thông tin cởi mở để trẻ em dễ dàng tiếp cận, kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp”, đại biểu Ngọc Phương nói.

Về một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, đại biểu Ngọc Phương kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như  nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm…

Cần đánh giá hiệu quả thực chất các chương trình, đề án về trẻ em

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) bức xúc trước những số liệu mang tính cảnh báo nghiêm trọng như: năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em, một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%; TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong nhiều địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trên cả nước. Và rất đau xót khi Hà Nội là địa phương có số trẻ em xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất, 12 em, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số trẻ em mang thai do xâm hại tình dục là 86 em. “Những nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi có nguy cơ xâm hại trẻ em xảy ra, sự suy bại đạo đức xã hội đến cùng cực khi bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ…”, đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị đánh giá lại việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của những chương trình, đề án liên quan đến bảo vệ trẻ em đạt đến đâu? Đồng thời, đặt vấn đề có nên triển khai nhiều chương trình, đề án trong một giai đoạn khi nguồn lực tài chính còn hạn chế hay không?


Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: quochoi.vn 

Còn thiếu sự phối hợp của các ngành trong bảo vệ trẻ em

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em. Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.

“Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức, viên chức, người cao tuổi…”- đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, công tác phát hiện, tố giác tội phạm thường là sự việc đã rồi, một số tội danh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều khi không tương xứng với hành vi sai phạm. Sự gắn kết trong gia đình có hiện tượng lỏng lẻo, cha mẹ con cái ít gặp nhau, chí ít chỉ được buổi tối, nhưng mỗi thành viên gia đình có chương trình riêng, thậm chí buổi tối bữa cơm gia đình không đủ các thành viên.

Thêm nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa hiệu quả, có hiện tượng phó mặc cho ngành Lao động, thương binh và xã hội và ngành Giáo dục, mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Trẻ em cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp nhưng đa phần sự việc xảy ra là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nhất là của công an. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không có sự phối hợp của các ngành thì một mình ngành Công an không thể làm tốt được, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Để hạn chế, kiểm soát tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới đạt kết quả thiết thực, đại biểu Hòa đề nghị các cấp, các ngành: Đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; trong đó chú trọng lồng ghép nội dung truyền thông trong sinh hoạt của từng địa bàn, từng vùng, từng nơi, nông thôn, tổ dân phố, các phương tiện truyền thông, nhà trường hãy dành thời gian hợp lý để tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là kỹ năng phòng, chống xâm hại. Đặc biệt tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; quan tâm chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh, tránh thói hư, tật xấu, vi phạm pháp luật, quản lý mạng internet, mạng xã hội cũng cần được quan tâm đúng mức.

Cần hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, giờ đây trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm. Công nghệ mạng đã tạo ra những thay đổi lớn đối với trẻ em trong cách tiếp cận, làm quen kết bạn. Không phủ nhận những lợi ích mà internet mang lại với trẻ em. Các em có nhiều cơ hội học tập, giải trí, song mặt trái đó đang mang đến bất lợi và nguy cơ đối với trẻ.

Theo báo cáo của các cơ quan tổ chức hữu quan, Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng cao nhất thế giới với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên, thanh  niên ở độ tuổi 15-24. Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh trẻ em bị xâm hại được đưa lên mạng, nhất là hình ảnh xâm hại tình dục. Cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 3 trẻ thừa nhận đã bị trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Số trẻ em gái bị bắt nạt gấp 3 lần trẻ em nam.

Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập các phòng chát ảo, thiết lập các trang web tham gia các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em, để từ đó thả tin nhắn và chúng luôn lấy tên tuổi giả để nhắn tin ban đầu với các em. Là người có học thức, có cuộc sống khá giả và luôn sẵn sàng chia sẻ, sau thời gian trò chuyện thì chúng chuyển từ đề tài học hành sở thích sang chủ đề tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng.

Đối với tội phạm mạng, thậm chí ngồi trong nhà với cha mẹ và người thân, trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại. Vì quá lo lắng trước tác động xấu của môi trường mạng, nhiều phụ huynh đã cấm không cho con sử dụng. Hoặc có những phụ huynh theo dõi chặt chẽ hoạt động của con trên mạng… nhưng lại không hướng dẫn các em sử dụng mạng an toàn đã khiến nhiều trẻ không sẻ chia với cha mẹ khi có sự cố xảy ra.

Do đó, đại biểu kiến nghị phụ huynh quan tâm thỏa đáng hướng dẫn sử dụng mạng; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung về an toàn mạng vào bộ môn giảng dạy tin học tại trường học; Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức về tội phạm này để trẻ em và gia đình nâng cao cảnh giác./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực