Kinh doanh, tiêu thụ tôm càng đỏ là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản

Thứ tư, 22/05/2019 16:20
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, tại một số địa phương đang xuất hiện việc mua bán loại tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, đây là hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản…

Khoảng gần 3 tháng trở lại đây, loại tôm càng đỏ (tôm hùm đất) có xuất xứ từ Trung Quốc đang được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội với giá từ 250 - 270 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào loại tôm lớn hay nhỏ.

Chỉ sau thao tác đơn giản với cụm từ “Mua tôm hùm đất” trên facebook cá nhân là bạn sẽ nhận được lời chào mời từ hàng chục chủ tài khoản facebook giao bán tôm hùm đất online với lời chào mời giao sỉ, bán số lượng lớn. Nhiều người còn khẳng định là “nhận bán và giao hàng tôm hùm đất trên cả nước”. Theo tìm hiểu của phóng viên, loại tôm càng đỏ được các thương lái nhập về từ Trung Quốc, là hàng tươi sống; 1kg tôm được khoảng 32 - 30 con. Loại tôm càng đỏ này đang gây “sốt” trên thị trường và được nhiều người đặt mua về ăn vì lạ. Đặc tính nổi bật của tôm càng đỏ là khá hung dữ, chúng có thể đi tới và đi lùi với 10 càng; trong đó, 2 càng trước của loài tôm này khá lớn và rất sắc nhọn. Tôm càng đỏ còn được xác định là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất đã được cấp phép nhập loài tôm hùm đất về nghiên cứu cho biết: "Nguyên nhân loại tôm này bị cấm tại Việt Nam là chúng không có giá trị cao về kinh tế, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. Sau khi nghiên cứu, phía Viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay”. Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm càng đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của loại tôm này là rất lớn; chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

 
Tôm càng đỏ đang được giao bán với giá từ 250 - 270 ngàn đồng/kg (Ảnh: ĐP)

Liên quan đến việc mua bán loại tôm hùm đất, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Nguyễn Xuân Cường đã kí công văn hoả tốc về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam. Theo đó, nội dung công văn hoả tốc số 3438 của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kí ngày 17/5 nêu, thời gian gần đây tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương. Đây là loài tôm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Đồng thời, nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại này.

Thực tế cho thấy đã có rất nhiều loại động vật ngoại lai sau khi du nhập vào Việt Nam đã gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Điển hình như là các loài ốc bươu vàng, chuột hải ly, ốc sên châu Phi, rùa tai đỏ… Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tôm hùm đất (tôm càng đỏ) đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018. Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015 quy định rất rõ: Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Như vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ tôm càng đỏ là hành vi vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. Do đó, thiết nghĩ người tiêu dùng nên cẩn trọng, không tham gia vào những hoạt động kinh doanh, tiêu thụ loài tôm nguy hiểm này. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; các cơ quan chức năng cũng nên xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán trái phép tôm càng đỏ, qua đó góp phần ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này nhằm tránh những tác động xấu đến môi trường tự nhiên và các hoạt động sản xuất nông nghiệp./.

Đặng Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực