Làm rõ tiêu chí đánh giá phòng chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh

Thứ năm, 28/03/2019 16:52
(ĐCSVN) – Hiện nay, Bộ tiêu chí đánh giá vẫn còn một số điểm chưa phù hợp thực tế, hay quy định chưa rõ ràng khiến các địa phương cũng có cách hiểu khác nhau dẫn tới kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng bản chất của thực tế công tác phòng chống tham nhũng…

Trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN”, ngày 28/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai Báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác PCTN trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Cần cải thiện trong công tác đánh giá phòng chống tham nhũng

Khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết hai năm thực hiện chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh cơ bản đạt được những kết quả tốt. Trong những năm qua, cấp tỉnh đã rất nỗ lực PCTN, thông qua công tác thanh tra kiểm toán, công tác phát hiện… Tiêu chí đánh giá càng ngày càng nâng cao cho thấy sự quan tâm của các cấp đến phương pháp đánh giá này.

 Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu khai mạc hội thảo.
Ảnh: TH.

Bà Akiko Fujii- Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho hay, bắt đầu từ năm 2015 UNDP hỗ trợ việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA).

Bà Fujii nhấn mạnh: “Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới, vì vậy hội thảo ngày hôm nay vô cùng quan trọng, giúp chúng ta nhìn lại hai năm thực hiện chỉ số PACA ở Việt Nam, từ đó xác định những điểm cần cải thiện trong công tác đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, trong suốt thời gian vừa qua, để nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng một số tiêu chí như: kết quả cụ thể của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; báo cáo kết quả tự đánh giá của các cơ quan Trung ương, các địa phương; hiệu quả, các chỉ số đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thăm dò dư luận xã hội, đánh giá của các tổ chức quốc tế; trong các báo cáo nghiên cứu về chính sách công như PCI, PAPI và một số báo cáo khác cũng có đề cập tới nội dung PCTN trong cơ quan nhà nước…

Trong 2 năm 2016-2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã thực hiện thí điểm phương pháp đánh giá công tác PCTN của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh). Việc đánh giá này đã thu được những kết quả phản ánh khách quan, trung thực, sát với kết quả công tác PCTN của UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Bộ tiêu chí đánh giá vẫn còn một số điểm chưa phù hợp thực tế, ở một vài tiêu chí, các địa phương cũng có cách hiểu khác nhau dẫn tới kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng bản chất của thực tế công tác PCTN. Bên cạnh đó, việc tập hợp hồ sơ, tài liệu chứng minh chưa được khoa học dẫn tới khó khăn trong việc thẩm tra, truy xuất dữ liệu chứng minh. Sự giám sát, mô hình hoạt động của các đối tượng đánh giá, bên đánh giá còn chưa phù hợp, sự tương đồng của PACA và các chỉ số đánh giá khác đang chưa đủ tin cậy và chính xác…

Đề nghị bổ sung thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung làm rõ sự cần thiết của đánh giá chính sách công, các phương pháp đánh giá chính sách công được thực hiện như thế nào?Các bộ chỉ số đánh giá chính sách công ở Việt Nam được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả, chất lượng của báo cáo đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hiện nay ở Việt Nam?...

Theo bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh, Trưởng phòng Thanh tra PCTN, Thanh tra Hà Nội, đây là năm thứ 3, qua chỉ số đánh giá PCTN 2017, kết quả PCTN của Hà Nội đã có chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, hiện nay,nhiều tiêu chí tại dự thảo khung Bộ tiêu chí chưa cụ thể, rõ ràng. 

Đồng thời, cần xác định rõ phạm vi đánh giá công tác PCTN để có các nội dung tiêu chí phù hợp, cơ cấu phân bổ điểm số phù hợp. Bà Quỳnh dẫn chứng  như, đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh thì phạm vi xác định đến đâu: chỉ dừng ở khối các cơ quan hành chính hay cả các cơ quan dân cử, các cơ quan của Đảng; chỉ đánh giá ở phạm vi các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh (như năm 2016), đánh giá ở mở rộng đến UBND cấp huyện (như năm 2017, năm 2018) hay sẽ làm toàn diện ở 3 cấp?

Bà Quỳnh cũng chỉ ra, để tập hợp hồ sơ đánh giá công tác PCTN rất đồ sộ, vì vậy, cần Thanh tra Chính phủ hỗ trợ nguồn lực, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

TS. Trần Văn Long, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đề nghị bổ sung nội dung về thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong tiêu chí thành phần thứ nhất. Bởi đây là nội dung quan trọng, thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước xã hội về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Nâng cao trách nhiệm giải trình giúp nâng cao chất lượng thực thi công vụ của các cán bộ, công chức…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực