Làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính

Thứ sáu, 05/05/2017 17:46
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tại cuộc họp nghe báo cáo đề xuất chính sách về kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), chiều ngày 4/5.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn cho biết, trên cơ sở của Luật XLVPHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP, trong đó có đề cập đến việc kiểm tra một số nội dung THPL về XLVPHC, phương thức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra việc THPL về XLVPHC còn thiếu nhiều quy định cơ bản như quy định về trình tự, thủ tục, hình thức, cách thức tổ chức kiểm tra, thực hiện kết luận kiểm tra việc THPL về XLVPHC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện kết luận kiểm tra; xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền trong thực thi công vụ gắn với các hành vi, nhóm hành vi vi phạm điển hình…

Qua thực tiễn, nhiều bộ, ngành, địa phương rất lúng túng và gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm tra và ban hành kết luận kiểm tra.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. (Ảnh minh họa: KS)

Thêm vào đó, Luật XLVPHC năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 183 chức danh, chưa kể các chức danh có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân.

Do đó, việc xây dựng và ban hành nghị định về kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong THPL về XLVPHC là cần thiết và đây là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Đa số các ý kiến tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị định nhưng đề nghị làm “chung” để quy định về hoạt động kiểm tra.

Đối với vấn đề xử lý trách nhiệm, một số ý kiến cho rằng Luật XLVPHC năm 2012 quy định quá rộng đối tượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân nếu người có thẩm quyền áp dụng và THPL về XLVPHC không chính xác, đòi hỏi có chế tài xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ trong THPL về XLVPHC…

Tuy nhiên, pháp luật về công chức đã quy định các hình thức xử lý kỷ luật, tương ứng với hành vi vi phạm nên cần cân nhắc nội dung này trong Nghị định này.

Chỉ rõ hoạt động kiểm tra được quy định trong rất nhiều văn bản từ nghị định, thông tư song chưa thống nhất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu chỉ đặt vấn đề kiểm tra trong lĩnh vực XLVPHC. Đối với xử lý trách nhiệm, Thứ trưởng lưu ý, xử lý trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đều đã được quy định, do đó Nghị định chỉ khoanh lại việc xử lý kỷ luật, trong đó cần quy định cụ thể hành vi và tương ứng với hành vi là hình thức xử lý như thế nào để gắn được trách nhiệm của người có thẩm quyền xử  phạt vi phạm hành chính./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực