Làm sao mỗi điều luật khi ban hành có thể đi và cuộc sống ngay

Thứ sáu, 10/01/2020 21:58
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi của người dân. Đây là công việc chung, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, xã hội.

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, qua 5 năm thực hiện đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Riêng tại Việt Nam, trong quá trình triển khai Luật BVMT, đến nay có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ Luật khác, trong đó có nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, qua tổng kết đánh giá việc triển khai Luật BVMT tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến một số quy định, chính sách được được quy định trong Luật BVMT, trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 được đặt ra.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: KT) 

Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật BVMT nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân. “BVMT không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi và quyền hạn của người dân. Đây là công việc chung, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, xã hội”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc tổ chức thực hiện Luật phải tăng hiệu quả, hiệu lực của luật. “Làm sao mỗi điều luật khi ban hành có thể đi và cuộc sống ngay, được người dân, doanh nghiệp hiểu, thống nhất và đồng thuận thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Góp ý việc sửa đổi Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Bộ TN&MT đã nhận diện được những vấn đề khó, vướng mắc từ thực tiễn, tích cực lấy ý kiến của các địa phương, các chuyên gia để tìm ra lối thoát cho công tác quản lý môi trường tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TN&MT và Ủy ban khi cùng tìm tiếng nói chung để chỉnh sửa Luật một cách hợp lý nhất.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, theo dự kiến ban đầu của Chính phủ là chỉnh sửa, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi Luật với khối lượng nội dung sửa đổi lớn, toàn diện. Với nhiều thay đổi trong dự thảo Luật mới, ông Phan Xuân Dũng cũng kỳ vọng, Luật BVMT sửa đổi sẽ thực sự tạo chuyển lớn trong công tác BVMT, để môi trường thực sự là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự thảo luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự thảo Luật BVMT sửa đổi./.

 

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực