Mọi hoạt động liên quan đến nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn và an ninh

Thứ tư, 30/06/2010 19:23

(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 70/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về Nhà máy điện hạt nhân; được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động liên quan đến nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2010.

Nghị định gồm 7 chương, 45 điều, hướng dẫn các quy định của Luật Năng lượng nguyên tử về đầu tư, lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt, vận hành, chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo an toàn, an ninh trong các hoạt động đó; về điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo đó, nhà máy điện hạt nhân thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, phải được bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Nghị định nêu rõ, việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch khác liên quan. Mọi hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn và an ninh.

Việc đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân phải đạt được hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ảnh hưởng đối với môi trường, cải thiện và nâng cao đời sống của dân cư tại địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân.

Khi đầu tư, xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo mục tiêu an toàn nhằm bảo vệ con người, xã hội và môi trường khỏi các tác động có hại của bức xạ. Trong trường hợp xảy ra sự cố phải bảo đảm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của chiếu xạ.

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân; báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Việc ứng phó sự cố nhà máy điện hạt nhân được giao cho từ cấp tỉnh tới cấp trung ương, các cơ quan này sẽ phải thực hiện các biện pháp thích hợp, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ tài sản quốc gia, tài sản và cuộc sống của người dân trong trường hợp xảy ra sự cố. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân cũng phải có trách nhiệm thiết lập hệ thống ứng phó cấp cơ sở, bảo đảm sẵn sàng các trang thiết bị nhằm sẵn sàng ứng phó sự cố hạt nhân theo kế hoạch ứng phó sự cố đã được phê duyệt. /.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực