Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thứ ba, 03/07/2018 16:29
(ĐCSVN) - Diễn đàn Pháp luật năm 2018 tập trung trao đổi về nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật theo định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) phối hợp tổ chức Diễn đàn Pháp luật năm 2018 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật và cải cách tư pháp”.

Diễn đàn Pháp luật được tổ chức thường niên là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi, cập nhật và chia sẻ các thông tin về tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam.

 Diễn đàn Pháp luật năm 2018. (Ảnh: TH).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Cùng với những kết quả tích cực của xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện bước chuyển hướng chiến lược từ đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm triển khai nhiều công việc nhằm bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật của các văn bản luật khi được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức thi hành pháp luật của Việt Nam cũng còn những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục. Điều này có thể thấy qua việc tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, nhiều đạo luật dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ nhưng chậm đi vào cuộc sống do thiếu các điều kiện bảo đảm (nhân lực, kinh phí, tổ chức bộ máy…);  tình trạng “nhờn” luật vẫn diễn ra; ý thức tuân thủ pháp luật của bộ phận cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân vẫn còn chưa nghiêm túc, thống nhất, triệt để;  thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đạo luật sau khi đã có hiệu lực thi hành… Những hạn chế, khó khăn nói trên đặt ra những thách thức to lớn cho Chính phủ Việt Nam trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022. Theo đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

“Đây là những nhiệm vụ đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cơ quan pháp luật và tư pháp trong việc duy trì các nỗ lực thường xuyên, sự phối hợp và trách nhiệm chung tay giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá Việt Nam đã hết sức nỗ lực và đạt nhiều thành quả trong hoàn thiện pháp luật những năm gần đây, song Quyền Phó Giám đốc USAID Việt Nam Jeremiah Carew thẳng thắn cho rằng thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế. Theo ông, Carew, muốn thi hành pháp luật hiệu quả cần sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan nhà nước và người dân; đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, phát triển khả năng hợp tác và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như phát huy công cụ kiểm tra, giám sát ở cả Trung ương lẫn địa phương...

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận về kết quả, hạn chế, khó khăn  trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới

Kết quả của Diễn đàn cũng sẽ giúp cho cộng đồng quốc tế thêm hiểu hơn những thách thức, khó khăn, nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn tới, từ đó góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài trong việc hợp tác xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật và tư pháp gắn với một hệ thống tổ chức thực thi pháp luật có hiệu quả, là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực