Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính

Thứ hai, 28/09/2020 19:52
(ĐCSVN) – Trong quá trình nghiên cứu xem xét, giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy, khi áp dụng Luật Tố tụng hành chính để giải quyết còn có vi phạm thủ tục tố tụng, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày  28/9, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Một số sai sót phổ biến trong quá trình giải quyết vụ án hành chính".

Phát biểu dẫn đề, TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC cho biết, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy, phần lớn các phán quyết của Tòa án đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Tòa án đã phát hiện một số sai sót trong hoạt động quản lý hành chính, đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 TSĐào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC trong buổi tập huấn. (Ảnh: TH)

Tuy nhiên, Tòa án được giao giải quyết các vụ án hành chính là nhiệm vụ mới, tính chất của loại khiếu kiện này ngày càng phức tạp, luật nội dung áp dụng vào quá trình giải quyết vụ án hành chính có phạm vi rộng, trải qua nhiều thời kỳ.

Mặt khác, tại một số Tòa án địa phương thụ lý và giải quyết rất ít loại vụ án này, nên trong quá trình giải quyết Tòa án không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc; trong khi việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật chưa được kịp thời nên đã xảy ra một số sai sót phổ biến, thường gặp.

Trong quá trình nghiên cứu xem xét, giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC  thấy một số bản án hành chính có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, khi áp dụng Luật Tố tụng hành chính để giải quyết còn có vi phạm thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Những trường hợp như vậy, Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; hoặc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại; hoặc hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án; hoặc sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, những vấn đề thường gặp là những sai sót trong quá trình áp dung pháp luật về tố tụng, cụ thể:  sai sót về áp dụng pháp luật về tố tụng trong việc xem xét thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính, trong việc xác định quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Sai sót trong việc xác định thời hiệu khởi kiện. Trong quá trình xem xét giải quyết vụ án có Tòa án nhầm lẫn, giải quyết cả khiếu kiện khi đã hết thời hiệu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; sai sót về việc thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền.

Sai sót về áp dụng pháp luật tố tụng trong việc giải quyết vụ án hành chính về thẩm quyền của HĐXX, xác định sai hoặc thiếu tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; sai sót trong việc xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ…

Ngoài ra, còn một số sai sót thường gặp phải trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (luật nội dung).

Bên cạnh việc giải đáp những vướng mắc, vụ án cụ thể mà các Tòa án gửi đến, TS Đào Thị Xuân Lan cũng đã quán triệt đến toàn thể hội nghị một số nguyên tắc xuyên suốt áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực