Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật

Thứ sáu, 23/08/2019 23:00
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo tham vấn dự thảo Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế và nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội.

Hội thảo do Liên minh châu Âu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống thể chế về công tác PBGDPL ngày càng hoàn thiện, giúp công tác này đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đạt nhiều thành tựu, được các cơ quan, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp ghi nhận.

 


Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TH.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL còn tồn tại một số hạn chế, đáng lưu ý có những vùng miền bị coi là “đói” thông tin pháp luật, tập trung chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhóm người dân tộc thiểu số.

Nhằm xây dựng những hoạt động, trong đó có hoạt động đưa thông tin pháp luật đến nhóm đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc, theo ông Quốc, phải đo lường được mức độ nhận thức của họ về pháp luật ra sao để truyền tải thông tin đến họ không bị hụt hẫng, không thiếu hay không bị quá tải. Đồng thời, lượng hóa được nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác tuyên truyền để xây dựng chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng cho họ, nhất là kỹ năng chuyên biệt dành cho nhóm yếu thế. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) xây dựng 2 Bộ công cụ khảo sát gồm: Đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo và người dân tộc thiểu số...; Nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Tại Hội thảo, các ý kiến chỉ ra, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến công tác tuyên truyền PBGDPL còn hạn chế là yếu tố con người. Cụ thể, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chính là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL, là cầu nối giữa pháp luật, chính sách và người dân. Với đội ngũ đông đảo như hiện nay, việc nâng cao năng lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các tiêu chuẩn về điều kiện, năng lực còn quy định khá chung chung, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này còn hạn chế về số lượng, chương trình, nội dung, hình thức tập huấn chưa có nhiều đổi mới.

Dự kiến, 2 bộ công cụ sẽ được sử dụng tại 6 tỉnh là Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp để tiến hành nghiên cứu về thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của nhóm yếu thế và đánh giá được nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Dữ liệu từ hai báo cáo nghiên cứu này sẽ làm căn cứ để Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cho các cơ quan và cán bộ tư pháp trong việc cung cấp thông tin pháp luật, dịch vụ pháp lý hỗ trợ nhóm yếu thế tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực