Nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về pháp luật tại vùng biên giới, hải đảo

Thứ sáu, 23/12/2016 20:59
(ĐCSVN) - Chiều 23/12, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo" giai đoạn 2013-2016.

Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” đã được thành phố Đà Nẵng triển khai rộng khắp đến các địa bàn ven biển. Qua 3 năm thực hiện, Đề án đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, nhận thức của cán bộ, chiến sỹ, công chức và nhân dân ở khu vực biên giới biển của thành phố ngày càng được nâng lên, tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật giảm rõ rệt so với trước khi thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã phần nào đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của thành phố.

Qua 3 năm thực hiện, Đề án đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về hiểu biết và ý thức chấp hành 
pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo (Ảnh: KS)

Đề án hướng tới tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho ngư dân nhằm giúp họ vừa bám biển sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển; đồng thời giáo dục cho ngư dân không đánh bắt hải sản trên vùng biển của nước khác; tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về biển đảo quê hương trong các buổi chào cờ đầu tuần. 

Trong 3 năm qua, Ban Điều hành Đề án đã cấp 48 đầu sách về pháp luật với số lượng trên 3.500 cuốn, 8.000 tờ rơi, tờ gấp và 1.500 đĩa DVD, VCD...phục vụ công tác tuyên truyền tại các đồn biên phòng và 17 phường biên giới biển. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tổ chức giới thiệu 850 buổi với 85.352 lượt người nghe về Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…Đặc biệt, Đề án đã tập trung tuyên truyền về tình hình biển đảo Việt Nam cũng như các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin định hướng trong dư luận xã hội.

Tại các khu vực biên giới biển, thành phố đã quan tâm chỉ đạo thành lập, củng cố và duy trì có hiệu quả 55 câu lạc bộ pháp luật, 07 tổ tư vấn trợ giúp pháp lý, 961 tổ hòa giải giúp đỡ cho 2.680 trường hợp và 1.285 vụ việc cho nhân dân trên địa bàn. Qua hoạt động, các tổ chức nói trên đã phục vụ tốt nhu cầu cần tư vấn, giải đáp những vấn đề pháp luật của nhân dân, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Thông qua công tác kiểm soát xuất - nhập cảnh và công tác kiểm soát hành chính, bộ đội biên phòng thành phố cũng đã tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho trên 450.000 lượt thuyền viên, 350.000 khách du lịch và hơn 330.00 lượt ngư dân hoạt động khai thác trên biển... 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, việc triển khai Đề án trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp, hiệu quả; qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn biên giới biển thành phố. Để Đề án tiếp tục đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, Ban Điều hành Đề án sẽ tăng cường phối hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các địa phương, đơn vị; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo trong thời gian tới./. 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực