Nên mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước

Thứ tư, 13/06/2018 18:14
(ĐCSVN) - Thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đa số đại biểu cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật.


Đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: TTXVN

Nhiều đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế… Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Cụ thể, theo đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương), việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với những bước đi thận trọng. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cũng rất quan trọng do đó mở rộng ra đối tượng ngoài Nhà nước nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”; đồng thời, phù hợp với các Công ước của Liên hợp quốc trong PCTN.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cán bộ công chức là công bộc cho nên ràng buộc phải khác so với khu vực tư. Do đó, công chức phải minh bạch và công khai tài sản. Tuy nhiên phải xác định nguồn tài sản hình thành từ đâu?

“Khi không minh bạch sẽ phải xác minh từ đó ra xử lý tài sản sau xác minh mà không giải trình được. Khi không giải trình được thì tài sản lúc đó sẽ bị giám sát. Như vậy, cán bộ không minh bạch là vi phạm nghĩa vụ công chức theo Luật PCTN nên đó là vi phạm hành chính và bị xử lý theo luật xử lý vi phạm hành chính nên mức xử phạt có thể từ 51-100% tài sản. Nếu không đồng tình thì có thể khiếu nại”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) thì lại cho rằng, xử lý tài sản kê không trung thực nhưng không chứng minh được nguồn gốc là vấn đề hệ trọng, cần có bước đi thận trọng vì tịch thu phải gắn với con đường tố tụng và chứng minh của nhà nước về việc tài sản hình thành do phạm tội mà có nên khó có thể tịch thu, hơn nữa chưa kể pháp luật hình sự chưa quy định nên càng khó có thể tịch thu trực tiếp.

Do đó, theo đại biểu thu thuế là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay vì tài sản công dân hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như tiền lương, làm thêm, buôn bán. Chỉ thu thuế sau khi cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản do chưa chứng minh được nguồn gốc, còn tài sản do phạm tội mà có khi đó sẽ phải sung công quỹ.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, khi vẫn có nhóm đối tượng chưa được đưa vào dự thảo luật.

“Có những cô gái mới chỉ 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng ngàn mét vuông, có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông. Người dân bình thường cũng biết rằng tài sản đó từ đâu mà có” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.

Đại biểu cho rằng, thực tế, nhiều trường hợp báo chí phản ánh nhưng không làm được vì con trong độ tuổi thành niên thì không phải kê khai tài sản thu nhập. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung để khắc phục. Ví dụ, khi thấy dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con thành niên cũng phải kê khai tài sản./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực