Nhiều sai phạm về quản lý đất đai, khoáng sản tại Phú Thọ

Thứ tư, 12/02/2020 10:51
(ĐCSVN) – Qua thanh tra phát hiện hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản ở Phú Thọ, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 - 2017).

Thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt nhiều so với quy hoạch

Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2006 - 2017, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng đối với một số dự án khu nhà ở đô thị còn một số tồn tại, khuyết điểm như: chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch chưa sát thực tế, một số chỉ tiêu đạt tỷ lệ thấp so với quy hoạch được phê duyệt như: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 thực hiện đạt 41,5%, giai đoạn 2011-2015 thực hiện đạt 45 8% đất ở tại đô thị thực hiện đạt 78,5%...

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt đến năm 2010, trong đó một số loại đất thực hiện vượt so với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, như: đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ theo quy hoạch được duyệt 377ha, kết quả thực hiện 544ha, vượt 167ha (tăng 144,3%); đất cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy hoạch được duyệt 1.385ha, kết quả thực hiện là 1.527ha, vượt 142ha (tăng 110,3%); đất cho hoạt động khoáng sản theo quy hoạch được duyệt 834ha, kết quả thực hiện 1.159ha, vượt 325ha (tăng 180%), dẫn đến triển khai một số dự án đầu tư trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, không phù hợp với quy định tại Điều 11, Luật Đất đai năm 2003.

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo TTCP, qua thanh tra phát hiện một số tồn tại, thiếu sót như công tác khảo sát lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư chưa đúng quy định; tiến độ thực hiện chậm so với phê duyệt; công tác thiết kế bản vẽ thi công - lập dự toán còn thiếu sót dẫn đến trong quá trình thực hiện dự án phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế, dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, có đơn vị không lập dự toán công trình, nhưng vẫn hưởng số tiền…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn: P. Bình)

Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ rõ, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 ha so với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tại mỏ đá xây dựng ở xã Thu Cúc (huyện Thanh Sơn), UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp vào đất rừng phòng hộ và sản xuất với diện tích 90 ha, sau khi điều chỉnh vẫn lấn vào rừng phòng hộ hơn 6,44 ha.

Trong năm 2012, UBND tỉnh cấp gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường  công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, là vi phạm luật Khoáng sản. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã cấp 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo quy định, trong đó có 11 giấy phép không nêu độ sâu, chiều cao khai thác, 1 dự án  cấp phép mở rộng nhưng không có quyết định phê duyệt đánh giá hàm lượng, trữ lượng...

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2017, có 19 dự án khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng đến thời điểm thanh tra chỉ có 3 dự án thực hiện đóng cửa mỏ; còn 16 dự án chưa thực hiện, cũng là vi phạm Luật Khoáng sản.

 TTCP xác định sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền trên 21 tỉ đồng, trong đó có đến 12,7 tỉ đồng ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của 52 đơn vị nợ đọng…

Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm

Từ những hạn chế, thiếu sót trên, Tổng TTCP kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản được chỉ ra qua thanh tra.

Rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư dự án đang còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế, phí còn phải nộp về ngân sách nhà nước, có biện pháp xử lý phạt theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành.

Đối với một số trường hợp không có khả năng thực hiện, UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét, xử lý theo quy định;

Chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, rà soát cụ thể để xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với các dự án dochủ đầu tư tự chuyển mục đích sử dụng đất; tính chưa đúng về tiền sử dụng đất các  chủ đầu tư phải nộp, thu về ngân sách nhà nước được nêu trong kết luận này và các dự án trên toàn tỉnh; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 để thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với diện tích hơn 333ha đất đã thu hồi cho hoạt động khoáng sản vượt quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Rà soát, thu hồi và giảm trừ khi thanh, quyết toán do vi phạm với số tiền hơn 33 tỷ đồng tại các dự án sử dụng đất; thu hồi hơn 6,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất của một số  dự án phải nộp bổ sung do UBND tỉnh khi tính tiền sử dụng đất đã đưa thuế VAT vào xác định không đúng quy định; giảm trừ quyết toán đối với giá trị chênh lệch tăng giữa thi công bằng máy và thủ công đối với 5 dự án đầu tư xây dựng với tổng số tiền hơn 12,1 tỷ đồng…

Mặt khác, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Cục Thuế, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND TP Việt Trì, UBND thị xã Phú Thọ, UBND huyện Thanh Sơn và UBND huyện Tân Sơn đối với các sai phạm được chỉ ra qua thanh tra./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực