Nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm

Thứ ba, 21/07/2020 22:52
(ĐCSVN) - Trong năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương giải quyết một số vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Chiều ngày 21/7, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao  tổ chức họp báo về Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành (26.7.1960 - 26.7.2020).

Tại buổi họp báo, ông Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng của ngành KSND được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Một số vụ án điển hình về các tội phạm trên được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong đó có bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ có chức vụ cao như: vụ Đinh La Thăng; Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ; Trịnh Xuân Thanh; Vụ AVG …

leftcenterrightdel
Ông Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao  tại buổi họp báo. Ảnh: TH.

Trong đó, nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm, công tác truy tố, ban hành cáo trạng được làm khẩn trương, có vụ án thời gian ban hành cáo trạng rất ngắn chỉ trong thời gian ngắn từ 5 - 7 ngày sau khi kết thúc điều tra. 

Trong quá trình thực hành quyền công tố, VKS đã áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa tài sản… qua đó hạn chế được tình trạng bị can tẩu tán hoặc che giấu, hợp thức hóa tài sản.

Điển hình, Viện kiểm sát góp phần thu hồi gần 9.000 tỉ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ mua 95% cổ phần AVG; phong tỏa tài sản trị 6.100 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh; xác minh, kê biên 185 bất động sản, phong tỏa 26 tài khoản… với trị giá trên 10.000 tỉ đồng trong vụ Hứa Thị Phấn; yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi số tài sản, nhà đất trị giá hơn 20.000 tỉ đồng trong các vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ…

Viện kiểm sát đã góp phần thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao, riêng trong năm 2019 đã thu được hơn 35.000 tỉ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; đạt tỷ lệ 47,32%.

VKSND Tối cao khẳng định, đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương giải quyết trong năm 2020 một số vụ án khác về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và vụ án Gang thép Thái Nguyên...

Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế cho biết, giai đoạn trước hầu như tài sản thu hồi rất ít nhưng vài năm gần đây, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt, bên cạnh xử lý nghiêm minh tội phạm thì thu hồi tài sản cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Trên tinh thần đó, ngay từ giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra  viện kiểm sát đã rất chú trọng hoạt động kê biên tài sản liên quan đến vụ án để bảo đảm thi hành án. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, VKS với trách nhiệm của mình đã đề nghị Hội đồng xét xử phải xử lý rốt ráo các tài sản để thu hồi về cho Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Dũng cho hay trong quá trình điều tra, xác minh tài sản cũng gặp khó khăn vì đối tượng phạm tội khi thực hiện thường theo xu hướng che giấu, tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó còn thiếu các thiết chế để kiểm tra. Ở nước ta chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt nên khó khăn trong kiểm soát dòng tiền tham nhũng. 

Ông Dũng chia sẻ thêm, vụ AVG được xem là vụ án đạt hiệu quả xử lý thu hồi tài sản tham nhũng và để lại dấu ấn lớn nhất. Một vụ án truy tố xét xử hai cựu bộ trưởng, tội danh đưa hối lộ nhận cực lớn 3 triệu USD, việc thu hồi tài sản lớn nhất trong lịch sử tố tụng.

Ông Dũng chia sẻ, vai trò Viện kiểm sát trong vụ này rất rõ, hành vi  của các bị cáo rất tinh vi nếu không có biện pháp nghiệp vụ, bản lĩnh thì không thể đấu tranh để các bị cáo khai nhận…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực