Phát huy cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ ba, 26/11/2019 16:49
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8,  Quốc hội khóa XIV, sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhiều ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm phát huy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: TTXVN. 

Bàn về kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều đại biểu đồng tình chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, vì cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá, kết quả thí điểm ở 16 tỉnh vừa qua đã khẳng định đây là cơ chế hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và nhà nước. Tỷ lệ hòa giải thành công đạt 78%...; đặc biệt như tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương tỷ lệ hơn 90%. Bên cạnh đó, phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa vừa giúp giảm chi phí cho người dân vừa tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Đại biểu cũng nêu lên một số kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, nhiều nước để khuyến khích người dân hòa giải, đối thoại tại Tòa thì không thu phí hòa giải. Có nước thu phí thấp hơn nhiều so với án xét xử tại Tòa án, như Hàn Quốc chỉ thu phí hòa giải bằng 1/5 so với án phí. Từ năm 2013, Quốc hội nước này đã sửa quy định, chỉ thu bằng 1/10 án phí đối với các bên tham gia hòa giải; hay như Singapore là một nước phát triển hình thức hòa giải tại Tòa án, có quy định không thu phí hòa giải đối với nhiều vụ việc...

Còn đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ tính vị trí pháp lý của mô hình hòa giải viên tuy không phát sinh bộ máy biên chế nhưng do Tòa án quản lý và tiến hành quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, và phân công hòa giải viên làm việc tại trụ sở Tòa án. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng thể về cơ sở vật chất của hệ thống Tòa án hiện nay để thực hiện hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án khi mà thực trạng hiện nay còn thiếu phòng hòa giải xét xử, và cần đánh giá việc dự kiến sử dụng kinh phí hòa giải đối thoại trên phạm vi cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), phân tích: Hòa giải viên không phải là một chức danh tư pháp, do vậy không nên đặt vấn đề bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại. Bởi cần phải thu hút những người có kinh nghiệm hưu trí trong những người có uy tín trong cộng đồng làng, xã và đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đặt vấn đề là sau khi công nhận rồi thì bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ chứ không nên đặt vấn đề này. Thứ hai nữa là đối với luật sư, những người có kinh nghiệm, chuyên gia thì còn phải có kinh nghiệm ít nhất 10 năm thì tôi thấy hơi dài, nếu rút lại có thể 3 năm hoặc 5 năm.

Một số ý kiến khác đề nghị, dự thảo Luật cần quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo hướng linh hoạt, nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm thuận lợi cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, trên cơ sở tổng kết thí điểm, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực