Phổ biến pháp luật cho thanh niên: Cần sự chung tay

Thứ hai, 24/05/2010 17:27

Vụ án nữ sinh Kim Anh giết người tình cũ vừa khép lại, thì công luận đã hết sức bàng hoàng trước vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, cựu sinh viên một trường đại học ở Hà Nội giết người yêu cũ. Dù không đóng vai trò là nguyên nhân chính, trực tiếp, song công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với thanh, thiếu niên cũng có một phần trách nhiệm…

Chưa làm được nhiều...

Theo luật gia Nguyễn Ngọc Thanh, nhiệm vụ dạy dỗ con cái trước hết và chủ yếu vẫn là các gia đình, bởi "trong ấm thì ngoài mới êm" và cần gióng lên "hồi chuông" cảnh tỉnh đối với bậc làm cha, làm mẹ ít quan tâm đến con cái. Ông Thanh lý giải, đối với thanh, thiếu niên, biện pháp giáo dục hữu hiệu, có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất là hình thức nêu gương, thông qua hành động cụ thể của những người "bề trên" (ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô…). Hầu hết đứa trẻ ngoan, tốt ở trong gia đình thì sẽ "miễn dịch" với cái xấu ngoài đời. Hai trường hợp phạm tội nêu trên đều ở xa gia đình nên thiếu đi sự quan tâm của các đấng sinh thành. Công tác PBGDPL cho thanh niên lại là hoạt động cần nhiều thời gian "vun trồng" mới có thể "hái quả". Do vậy, dù có nhiều cố gắng nhưng công tác PBGDPL cho đối tượng này hiệu quả chưa cao. Ngoài công tác tập huấn nội dung văn bản pháp luật, vẫn có những địa phương còn PBGDPL dưới hình thức "cấp trên... phát văn bản cho cấp dưới". Các hoạt động PBGDPL đối với thanh niên chủ yếu diễn ra theo các đợt hoạt động cao điểm nên mới chủ yếu tác động vào những thanh niên tích cực. Những đối tượng đặc thù (như thanh niên di cư, thanh niên vùng sâu, vùng xa, thanh niên trong các khu công nghiệp, chế xuất...) chưa thụ hưởng được nhiều hiệu quả của công tác PBGDPL, hình thức tuyên truyền cũng chưa thực sự hấp dẫn thanh niên. Trong khi đó, theo Bộ Công an, đây là nhóm dễ bị tổn thương, thiếu suy nghĩ chín chắn.

Biết luật mà vẫn phạm luật!

Là người tham gia bảo vệ quyền lợi của nhiều bị cáo trẻ tuổi trong những vụ án giết người, cướp tài sản suốt 20 năm công tác, luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong số thanh niên hư hỏng có những người nông nổi, ít hiểu biết pháp luật nhưng có những em "biết luật mà vẫn vi phạm" với những lý do hết sức đơn giản như ý thích thể hiện, bất cần, thách thức lực lượng chức năng và xã hội, ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường... Điều này do tác động của tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện mình, đua đòi theo bạn bè. Do vậy, điều quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho thanh niên chính là phải hiểu rõ được tâm lý lứa tuổi; thanh, thiếu niên có điều kiện sống khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau. Để làm được điều này, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; đề cao hơn nữa tầm quan trọng của môn giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong mỗi cấp học, bậc học.

Góp sức cải thiện tình trạng này, Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn dự thảo đề án "Tăng cường công tác PBGDPL cho thanh niên", dự kiến ngày 15-6 sẽ trình Chính phủ. Trong giai đoạn đầu của đề án, Bộ Tư pháp xác định việc trước mắt cần làm là "thu hẹp lỗ hổng" kiến thức pháp luật trong thanh, thiếu niên, đặc biệt là những đối tượng sinh sống tự do, thanh niên cư trú ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc ít người. Tùy từng loại đối tượng sẽ xác định nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật riêng. Chẳng hạn, đối với thanh, thiếu niên tự do, lao động tại địa bàn cư trú có thể tổ chức các phiên tòa lưu động, dạy kỹ năng thực hành xã hội, nhân rộng mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm tại xã, phường, thị trấn, thôn, làng, bản, ấp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền - Trưởng ban soạn thảo đề án, đối với nhóm thanh, thiếu niên tự do hoặc sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc PBGDPL cho đối tượng này sẽ có nhiều khó khăn vì tính không ổn định về nơi cư trú, khó kiểm soát, trình độ hạn chế. Do đó, để đề án phát huy được hiệu quả cần phải dựa vào cộng đồng dân cư và các tổ chức tại cơ sở, những người có uy tín trong cộng đồng hoặc già làng, trưởng bản để tác động, tuyên truyền cho họ. Ngoài ra, hệ thống loa truyền thanh cơ sở cũng đóng vai trò rất quan trọng theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Mặc dù vậy, luật sư Nguyễn Thành Nam vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của đề án này. Bởi lẽ hiện nay đã có nhiều đề án về PBGDPL cho các đối tượng như: Đề án "Tuyên truyền phổ biến giáo dục cho người dân nông thôn và dân tộc thiểu số" của Bộ NN&PTNT; đề án "tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động và sử dụng lao động" của Bộ LĐ-TB&XH. Ông kiến nghị cần rà soát lại các đề án trên để bổ sung những điểm còn thiếu sót; đồng thời, loại bỏ những điểm còn trùng lắp để tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực