Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong xây dựng luật

Thứ sáu, 15/11/2019 18:02
(ĐCSVN) - Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành luật...

Chiều 15/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khó xác định trách nhiệm khi xảy ra sai sót

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua hơn 03 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 với nhiều quy định mới, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Thực tế thời gian qua cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý một số dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là khi nội dung dự thảo đã được chỉnh lý có sự thay đổi nhiều so với các chính sách và nội dung trong dự thảo trình ban đầu, khó xác định trách nhiệm khi xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến tính khả thi của văn bản sau khi được ban hành.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 06 điều về kỹ thuật của Luật năm 2015. Dự thảo Luật sửa 04 điều của Luật năm 2015 (Điều 47, 58, 92, 121), trong đó bổ sung sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là một trong các nội dung phải thẩm định, thẩm tra.

Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng quy định như Luật hiện hành là cứng nhắc, chưa sát thực tế và đề nghị bổ sung một số trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở nước ta hiện nay. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cho phép thêm 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này chỉ bổ sung quy định để cho phép HĐND cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính trong các nghị quyết về biện pháp có tính chất đặc thù của địa phương quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015, không quy định thủ tục hành chính để áp dụng trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, không làm phát sinh chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, do vậy không đặt ra nhiệm vụ đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo Luật.

Cần đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn.

 

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật luôn rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản. Quy định của Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng nhưng công tác phối hợp trong quy trình xây dựng pháp luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; do đó, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay, bảo đảm thực hiện đúng kết luận của Ban Bí thư về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật.

Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban Pháp luật nhất trí với dự thảo Luật bổ sung 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật thống nhất đề nghị bổ sung quy định Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng một số dự án ngay từ khi quyết định đưa dự án vào Chương trình; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp bổ sung dự án vào Chương trình…

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng cho hay: Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên tiếp tục quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết để cơ quan soạn thảo tập trung thời gian cho việc soạn thảo dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ. Chỉ nên quy định trong hồ sơ dự án phải kèm theo danh mục văn bản quy định chi tiết; đề cương nội dung quy định chi tiết; kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó dự kiến cụ thể thời gian có hiệu lực của từng văn bản là cơ bản có đủ thông tin cần thiết cho việc xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực