Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ sáu, 18/06/2010 21:04

(ĐCSVN) - Chiều 18/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 8 chương, 66 điều, trong đó đặc biệt chú trọng tới các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi mà hiện nay, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Trong dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng lần này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm một số chế tài xử lý vi phạm hành chính như đưa vào danh sách công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành nghề có hành vi vi phạm pháp luật, quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp người tiêu dùng, bổ sung quyền khởi kiện vì lợi ích người tiêu dùng và quyền lợi được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Đa số các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi theo Tờ trình của Chính phủ, xu hướng các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ, nhiều vụ việc đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.

Báo cáo về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy: Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Những vụ việc trên chỉ là một phần nhỏ và mới chỉ phản ánh được phần nào thực trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Có thể nói rằng người tiêu dùng Việt Nam hiện đang phải sống trong một môi trường mà mức độ không an toàn có xu hướng ngày càng gia tăng, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm ngày càng nhiều.

Trong phiên làm việc đã có 13 vị đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh; Sự thống nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với hệ thống pháp luật; Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa gây ra; Trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ; Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu; Các biện pháp giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Quyền khởi kiện tại tòa án…

Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Luật, nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng .

Các đại biểu đề nghị cần bổ sung vào luật quyền của người tiêu dùng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ người tiêu dùng vào Dự thảo Luật bởi Dự thảo mới chỉ nói đến trách nhiệm của tổ chức sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng mà chưa đề cập đến quyền của người tiêu dùng là chưa đầy đủ và thiếu cơ sở khi áp dụng thực tế.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, do chưa có chế tài hữu hiệu nên người tiêu dùng thường phải chịu sự thua thiệt khi có tranh chấp nảy sinh trong quan hệ mua bán. Các vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có chiều hướng tăng dần về số lượng và mức độ. Luật cần giúp các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước và người dân tránh các thua thiệt khi mua và sử dụng sản phẩm.

Một số đại biểu cho rằng phạm trù người tiêu dùng rất đa dạng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo nhiều loại hình, trong khi dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của người sản xuất hàng hoá mà không nêu rõ trách nhiệm của người bán hàng, phân phối, dịch vụ... Như vậy sẽ bỏ sót những đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin, Luật cần quy định cụ thể việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) và đại biểu Phạm Quý Tỵ (đoàn Bình Dương) cho rằng, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thành lập từ lâu, nhưng không đủ khả năng để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng do thiếu những chế tài cụ thể. Do vậy, Dự thảo Luật phải xác định cụ thể địa vị pháp lý của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xác định vị trí của tổ chức này trong hệ thống pháp lý, là tổ chức xã hội hay cơ quan nhà nước. Các đại biểu đề nghị, nên xây dựng Hiệp hội là một tổ chức xã hội, nhưng trong thời gian đầu hoạt động có thể cử cán bộ chuyên trách của các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về nghiệp vụ để từng bước nâng cao năng lực của tổ chức này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực