Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính

Thứ sáu, 18/06/2010 20:44

(ĐCSVN) - Sáng 18/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính.

Luật Tố tụng hành chính có 13 chương và 163 điều. Trong phiên làm việc sáng nay đã có 26 vị đại biểu Quốc hội của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Thẩm quyền của tòa án; Về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính; Về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng; Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Về khởi kiện, thụ lý vụ án; Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; Thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính; Thời hạn chuẩn bị xét xử; xác minh thu thập chứng cứ; Quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm; Về thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; Hiệu lực của bản án…

Đại biểu Võ Minh Phương (đoàn Lâm Đồng) tán thành về việc công dân có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trước. Về một số lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai thì cần phải qua xem xét trước của cơ quan hành chính nhà nước trước khi khởi kiện.

Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, đại biểu Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) nêu ý kiến: nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính. Nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì dễ dẫn đến bên kiện và bên bị kiện thỏa thuận với nhau nhưng xâm phạm lợi ích của nhà nước hoặc của người khác. Nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc thì tòa án phải ra quyết định công nhận việc thỏa thuận đó và xét cho cùng thì tòa án cũng phải xem xét cả quyết định khởi kiện và thỏa thuận đó có trái với đạo đức xã hội hoặc trái với pháp luật hay không? Vì vậy đề nghị Quốc hội nên quy định cho các bên đối thoại với nhau trong quá trình giải quyết vụ án hành chính như Điều 11 của dự thảo Luật.

Đối với những vụ khiếu kiện ra tòa án mà không qua thủ tục khiếu nại thì nên quy định thời hiệu dài hơn sẽ tạo điều kiện cho người khởi kiện có đủ thời gian để thu thập các chứng cứ nhờ tư vấn trợ giúp pháp lý. Những khiếu kiện đã qua các thủ tục giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 thì thời hiệu khởi kiện phải ngắn hơn vì đương sự đã có một thời gian nhất định để chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn khiếu nại rồi.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng: Một trong những yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đó là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Vì vậy, việc đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính cũng là một trong những yếu tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định tương đối thông thoáng về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính nhưng người dân vẫn không mặn mà với việc khởi kiện ra tòa, đối lập với quang cảnh tấp nập tại các phòng tiếp công dân, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo quá tải cho việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính. Theo đại biểu Phương Hoa, nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự tin tưởng việc giải quyết của tòa án, việc thi hành án hành chính chưa được quy định cụ thể nên người dân thường lựa chọn con đường khiếu nại thay vì khởi kiện tại tòa án. Do đó, ngoài việc mở rộng điều kiện khởi kiện nghĩa là không đồng ý với hành vi hành chính, quyết định hành chính, người dân có thể lựa chọn hoặc là khởi kiện ra tòa hoặc là khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Luật cũng cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế xét xử, thi hành án hành chính để người dân tin tưởng, lựa chọn việc khởi kiện hành chính, góp phần giảm tải việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân của các cơ quan hành chính hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng ủng hộ phương án tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên, dự thảo lại quy định đối với một số lĩnh vực được cho rằng có tính chuyên môn cao như quản lý đất đai, xây dựng, thuế, sở hữu trị tuệ thì phải thông qua khiếu nại thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra tòa thì sẽ không tạo được một sự chuyển biến cơ bản mạnh mẽ trong hoạt động xét xử của tòa án hành chính thuộc tòa án nhân dân. Quy định như vậy là không có cơ sở và không có ý nghĩa thực tiễn.

Theo ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), dự thảo về cơ bản vẫn giữ nguyên điều kiện khởi kiện như trước đây trừ một số rất ít loại việc được kiện thẳng ra tòa, là chưa hợp lý bởi các lý do sau đây: Thứ nhất là hạn chế quyền lựa chọn của người dân đối với việc chọn phương thức giải quyết hoàn toàn theo thủ tục tố tụng tư pháp. Ràng buộc điều kiện của người dân phải khiếu nại hành chính trước khi kiện ra tòa án hành chính là đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân, bất hợp lý, nhất là trong tình hình hiện nay khoảng gần 80% khiếu kiện hành chính là về lĩnh vực đất đai. Thứ hai là kéo dài quá trình giải quyết, vừa khó khăn cho người dân lại vừa khó khăn cho hoạt động hành chính, vốn là một loại hoạt động mà cần phải thực hiện nhanh chóng, dứt điểm, do đó làm đình trệ và làm giảm hiệu quả của quản lý Nhà nước. Thứ ba, giảm tính ưu việt của phương thức giải quyết khiếu nại bằng tòa hành chính. Đại biểu cho rằng, những ưu điểm của tòa hành chính chỉ phát huy tốt khi phương thức giải quyết này phải tồn tại một cách độc lập, nếu trộn lẫn hai phương thức giải quyết này với nhau làm sẽ mất đi tính ưu việt vốn có của tòa hành chính, khiến cho trình tự giải quyết tại tòa hành chính trở thành một phương thức hỗn hợp và kém hấp dẫn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) tán thành phương án quy định cụ thể hơn các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Bởi vì khi đã trao quyền cho tòa án quyền xét xử các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cũng nên trao cho Hội đồng xét xử sơ thẩm những quyền hạn nhất định tùy tình hình cụ thể. Quyền hạn đó phải được quy định bằng một phương thức rất rõ ràng trong Luật Tố tụng hành chính.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) lại cho rằng nên quy định thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính. Thủ tục thỏa thuận không phải là điều kiện để các bên khởi kiện hoặc bị kiện bắt tay với nhau mà là cơ hội để các bên trao đổi với nhau về nội tình của vụ việc, phân tích với nhau một cách kỹ lưỡng các căn cứ để từ đó xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng hay sai theo các quy định của pháp luật cũng như phân tích lại việc khiếu kiện đó có phù hợp hay không. Tuy nhiên nếu như cả hai bên không thể thỏa thuận với nhau thì cũng không nên bắt buộc phải có thỏa thuận. Chính vì vậy nên quy định thủ tục thỏa thuận trong quá trình tố tụng hành chính, nhưng nên quy định một cách mềm dẻo không phải là thủ tục phải bắt buộc.

Đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) cũng đồng ý với quan điểm đối với các khiếu kiện về hành vi hành chính, khiếu kiện về một số loại việc có tính chất chuyên môn sâu, lĩnh vực mà Luật chuyên ngành quy định phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa án, khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án. Còn đối với các khiếu kiện khác thì có thể khởi kiện ngay ra tại Tòa án. Đại biểu cho rằng, nếu Luật quy định theo hướng tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án thì sẽ rất nặng việc cho Tòa án trong tình hình hiện nay khi mà trung bình một Tòa án huyện chỉ có từ 3 - 4 thẩm phán, Tòa án nào nhiều thì cũng chỉ có 7 - 8 thẩm phán.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xem xét, quyết định về công tác nhân sự./.




CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực