Quốc hội thông qua 3 dự án luật

Thứ sáu, 18/06/2010 10:47

(ĐCSVN)Chiều 17/6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thông qua 3 dự án luật: Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm.

Với 86,61% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba báo cáo thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật này. Theo đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc cho phạm nhân gặp vợ, chồng không quá 24 giờ để tránh trường hợp phạm nhân nữ có thai (điều này đã từng xảy ra trong thực tế, có trường hợp nữ tử tù có thai nên thoát án tử hình). Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật quy định “Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ...” là cần thiết, góp phần thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định “Phạm nhân nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con”.

Về hình thức thi hành án tử hình, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành như quy định của Luật: thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Về giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình. Theo đó, trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng trường hợp, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm xem xét, quyết định cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Luật Thi hành án hình sự quy định nguyên tắc, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ 1.7.2011.

Việc cấp giấy phép thành lập tổ chức trọng tài thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp

Dự án Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 85,8% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Luật Trọng tài thương mại quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài, tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài. Việc cấp giấy phép thành lập tổ chức trọng tài thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở giấy phép cho thành lập tổ chức trọng tài, Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành từ 1.1.2011.

87,22% số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua dự án Luật An toàn thực phẩm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh, dự thảo Luật đã bổ sung một khoản quy định nguyên tắc “Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành”.

Về những hành vi bị cấm, dự thảo Luật đã chỉnh sửa bổ sung quy định: cấm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng; cấm lưu trữ, vận chuyển thực phẩm không an toàn, sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt; cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, vốn là nỗi bức xúc của mọi người do khâu điều hành quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả, không rõ ràng, ông Minh cho hay, dự thảo Luật quy định Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công. Trước ý kiến đề nghị thành lập cơ quan điều phối liên ngành về an toàn thực phẩm, ông Minh cho biết việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì vậy, không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò chủ trì của Bộ Y tế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng thời Bộ Y tế phải có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu về tác hại của các thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe của con người, trên cơ sở đó đề ra các chương trình, các chiến lược lâu dài để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Luật đã chỉnh sửa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Luật cũng quy định, giao Bộ Y tế quản lý khâu vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm (nhiều ý kiến cho là chưa hợp lý, vì đây là trách nhiệm của Bộ Công thương).

Với 11 Chương, 72 Điều, Luật An toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; các Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công.

Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ 1.7.2011.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực