Quốc hội thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên

Thứ ba, 26/11/2019 16:59
(ĐCSVN) - Chiều ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Lực lượng dự bị động viên với 449/453 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội.
leftcenterrightdel
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên (Ảnh: TTXVN). 

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều. Trong đó, điều 3 và điều 22 nhận được sự đóng góp ý kiến, quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Điều 3 của dự  thảo Luật đề cập nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Theo đó, có ý kiến đề nghị sửa lại đoạn cuối khoản 1 là “chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

UBTVQH thấy rằng, quy định như dự thảo Luật là thống nhất với Luật Quốc phòng, đồng thời bảo đảm phân cấp về chỉ huy, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức của Quân đội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị thay cụm từ “phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” bằng cụm từ “bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới” tại khoản 4 cho chặt chẽ và ngắn gọn.

UBTVQH nhận thấy, việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên cần phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, được thể hiện cụ thể trong kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên và nhằm mục đích bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền về tài sản của cá nhân, tổ chức, chủ sở hữu khi đăng ký phương tiện kỹ thuật dự bị.

UBTVQH cho rằng, nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật tại khoản 1 đã bao hàm việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền về tài sản; đồng thời quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị và việc bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra đã được quy định tại Điều 5 và Điều 6 dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung nguyên tắc trên.

Còn trong Điều 22 của dự án Luật đề cập việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên.

Theo đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp được hoãn như: đi làm ăn xa, lao động chính của gia đình, dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai hoặc người lao động không được chủ doanh nghiệp tạo điều kiện tham gia.

UBTVQH cho rằng, quy định về các trường hợp được hoãn như dự thảo Luật là bao quát, đầy đủ, kế thừa quy định pháp lệnh hiện hành; qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý một số nội dung của điều này như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh để bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị cần quy định về cơ sở huấn luyện của các đơn vị, tiểu đoàn cấp huyện hoặc cơ sở huấn luyện dự bị động viên theo cụm. UBTVQH cho rằng, quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh đã được UBTVQH nhất trí tại Phiên họp thứ 36 và giải trình cụ thể tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14; đồng thời, trong quá trình thảo luận, xin ý kiến tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đều nhất trí và Ban soạn thảo cũng đề nghị quy định cụ thể nội dung này trong luật. Việc quy định này nhằm từng bước chính quy hóa công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên, khắc phục nhiều hạn chế, vướng mắc trên thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý khoản 7 giao Chính phủ quy định cụ thể về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh cho phù hợp với đặc điểm địa bàn từng địa phương, tạo thuận lợi trong việc gọi, tập trung huấn luyện quân nhân dự bị. Luật Lực lượng dự bị động viên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực