Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh

Thứ năm, 20/05/2010 21:41

(ĐCSVN) - Chiều 20/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2008 của Chính phủ đã phản ánh sát thực tình hình tài chính

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Về công tác hạch toán kế toán NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN năm 2008 của các Bộ, ngành và địa phương được thực hiện khá tốt, có nhiều tiến bộ so với các năm trước, đã thực hiện khoá sổ, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm 2008 đúng thời hạn; số liệu quyết toán NSNN năm 2008 đã được các Bộ, ngành, địa phương đối chiếu, đảm bảo khớp đúng và có xác nhận của Kho bạc Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 
                                                                     

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những thiếu sót không mang tính phổ biến ở một vài địa phương, cần nêu để rút kinh nghiệm như: hạch toán thu, chi sai mục lục ngân sách, lập báo cáo quyết toán không kịp thời, sai niên độ NSNN, sử dụng hóa đơn chứng từ sai quy định của pháp luật...

Về công tác thẩm định báo cáo quyết toán, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Báo cáo quyết toán NSNN của các Bộ, ngành ở Trung ương đã được Bộ Tài chính thẩm định; báo cáo quyết toán ngân sách của địa phương đã được cơ quan tài chính thẩm định và được Hội đồng Nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo Điều 65 của Luật NSNN. Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo, số liệu quyết toán NSNN tại một số Bộ, ngành, địa phương cho thấy, vẫn còn nổi lên một số tồn tại như: ở một số địa phương chất lượng thẩm định quyết toán NSNN chưa cao, còn sai sót, chấp hành NSNN còn nhiều sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra phát hiện và kiến nghị, xử lý, khắc phục.

Về công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản: công tác lập và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành năm 2008 đã được Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, có nhiều cố gắng, tiến bộ hơn năm trước, số lượng các dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng được lập và phê duyệt quyết toán tăng, phản ánh sát thực hơn chi phí thực hiện dự án. Năm 2008, có 41.430 dự án với tổng số vốn 74.407,7 tỷ đồng được phê duyệt quyết toán, tăng 4.000 dự án so với năm 2007 và bằng 65,6% số dự án hoàn thành trong năm; qua phê duyệt quyết toán đã giảm trừ 1.281 tỷ đồng, bằng 1,65% giá trị đề nghị quyết toán.

Tuy nhiên, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương, các chủ đầu tư lập, phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư còn chậm, số dự án hoàn thành chưa được lập báo cáo quyết toán, chưa phê duyệt quyết toán còn khá lớn. Năm 2008, vẫn còn 10.394 dự án đã nộp hồ sơ quyết toán nhưng chưa được phê duyệt, chiếm 16,45% tổng số dự án hoàn thành trong năm, trong đó có 2.094 dự án chậm phê duyệt so với quy định; 11.335 dự án hoàn thành nhưng chưa nộp báo cáo quyết toán, chiếm 17,94%, trong đó, có 3.335 dự án lập quyết toán chậm, đặc biệt có dự án hoàn thành bàn giao đi vào sử dụng trên 5 năm nhưng chưa lập báo cáo quyết toán.

Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc hầu hết đã được các Bộ, ngành, địa phương chấp hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, mở sổ sách theo dõi và hạch toán khá đầy đủ, thực hiện quyết toán kinh phí hàng năm và quyết toán dự án đầu tư theo chế độ quy định. Cuối năm đã thực hiện kiểm kê tài sản, hạch toán khấu hao tài sản theo chế độ kế toán. Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã đạt được nhiều kết quả. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị tài sản đã cơ bản được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và hạch toán vào sổ sách kế toán để theo dõi, quản lý theo quy định.

Tóm lại, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2008 của Chính phủ đã phản ánh sát thực hơn tình hình tài chính, NSNN, đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và tuân thủ các quy định của Luật NSNN; được tổng hợp từ quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được HĐND phê chuẩn và quyết toán của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đã đối chiếu và được Kho bạc Nhà nước xác nhận; đã xem xét, tiếp thu kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Tài chính; đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách và một số cơ quan chuyên môn của Quốc hội thẩm tra, vì vậy, đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 7 theo quy định của pháp luật.

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh là dự án quan trọng Quốc gia

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày
Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt
cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh

Kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ cao những năm qua đã phát sinh nhu cầu đi lại tăng nhanh chóng. Ngoài những lợi ích to lớn đối với toàn xã hội, việc phát triển giao thông đường bộ cũng làm tăng nhanh phương tiện cá nhân, dẫn đến hậu quả ùn tắc và tai nạn giao thông có xu thế gia tăng, rất khó kiềm chế. Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2010, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo đầu tư Dự án Xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo xin chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Kết luận số 27-KL/TW ngày 17/09/2008 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cũng nêu rõ: “Đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần được ưu tiên phát triển đi trước một bước, theo hướng phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững; phát huy lợi thế, phục vụ hiệu quả cao nhất cho sự phát triển đất nước”.

Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nêu: “Đến năm 2020: Xây dựng đường sắt Việt Nam chính quy, hiện đại, phát triển bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Hoàn thành và đưa vào khai thác một số đoạn đường sắt cao tốc (ĐSCT) trên trục Bắc – Nam, đường sắt cận cao tốc trên hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Đồng Đăng”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường của Quốc
 hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương
đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh đọc báo cáo thẩm tra về dự án này. Báo cáo nêu rõ: Nhìn ở tầm chiến lược, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có. Việc phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, an toàn, chính xác và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường là phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta và đã được Luật Đường sắt 2005 quy định chi tiết, trong đó có việc đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt, điện khí hóa đường sắt.

Thảo luận về vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có hai loại ý kiến:
- Ý kiến thứ nhất: Nhất trí với phương án như Chính phủ đề nghị, trong khi hiện nay hệ thống đường sắt nước ta đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải thì việc đầu tư mới theo hướng hiện đại là cần thiết, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển sau này và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
- Ý kiến thứ hai: Đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải. Trước mắt, đồng thời với việc xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435m, tốc độ giai đoạn 1 là 200km/h, sau đó khi đủ điều kiện thì sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h. So với phương án 4 Chính phủ đề nghị thì phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Báo cáo đầu tư của Dự án chỉ thiên về phân tích các lợi thế cho việc lựa chọn phương án 4. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin so sánh lợi thế giữa các phương án để có đủ cơ sở quyết định, đồng thời làm rõ việc đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc thì phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có sẽ như thế nào, chức năng vận chuyển và mối liên hệ giữa tuyến đường sắt hiện có với đường sắt cao tốc khi đi vào khai thác.
  

Tuy nhiên, để thấy được tính khả thi của Dự án, Chính phủ, Chủ đầu tư cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác. Cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng đường sắt cao tốc bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất trong khi hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 1A luôn được cải thiện, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2, các tuyến đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang triển khai; các cụm cảng hàng không cũng như hệ thống đường sắt hiện tại không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Nghiên cứu Báo cáo đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Dự án này đã được đề cập trong các quy hoạch giao thông như Quy hoạch tổng thể (điều chỉnh) phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược (điều chỉnh) phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cơ bản phù hợp với các yêu cầu Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc-Trung-Nam) và 20 tỉnh, thành phố nơi có đường sắt cao tốc thuộc Dự án này đi qua.

Tuy nhiên, có một số điểm chưa thống nhất với các chiến lược và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn, thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến năm 2035, dài hơn thời gian thực hiện Chiến lược và Quy hoạch là năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược và quy hoạch xác định xây dựng các đoạn tuyến cụ thể thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 2020 km, không có đoạn tuyến nào kéo dài từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Chính phủ và chủ đầu tư giải trình và phân tích cụ thể hơn tính khả thi của từng thời kỳ thực hiện dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch phát triển vận tải biển, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sông, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch của các tỉnh có dự án đường sắt cao tốc chạy qua, nhất là đối với quy hoạch của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nơi xây dựng hai ga đầu mối hiện đại bảo đảm kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và các loại phương tiện giao thông khác trong đô thị của 2 thành phố này, cũng như các nhà ga dọc tuyến kết nối với hệ thống giao thông của các tỉnh, thành phố khác.

Mặt khác, cần làm rõ tính khả thi của việc hiện đại hóa, mở rộng, nâng cấp đường sắt trong tương lai từ Hà Nội đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau như Báo cáo đầu tư đề cập, cũng như sự phối hợp với các quy hoạch khác có liên quan nhằm đảm bảo tính liên thông giữa đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh với hệ thống đường sắt, đường bộ hiện có và dự án đường sắt xuyên Á sau này nhằm khai thác tuyến đường một cách hiệu quả nhất, bảo đảm tính khả thi của Dự án. Đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể và chi tiết hơn tuyến đi qua các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm di tích lịch sử – văn hoá, địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng, ảnh hưởng của Dự án đối với các công trình thuỷ lợi, công trình thoát lũ đã và đang xây dựng dọc theo tuyến đường, nhất là ở khu vực miền Trung.

Quy hoạch của dự án Đường sắt cao tốc phải tuân thủ chặt chẽ quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đường sắt về Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm gắn kết với quy hoạch phát triển vùng, ngành kinh tế và quy hoạch phát triển các loại hình giao thông vận tải khác.
  

Trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu vận chuyển đối với đường sắt trên trục dọc Bắc - Nam, đã nghiên cứu 4 phương án gồm:
* Phương án 1: Mở rộng đường sắt hiện tại (đường đơn, khổ 1.000mm) thành đường khổ 1.435mm bằng cách mở rộng nền đường, thay tà vẹt 3 ray để chuyển sang đường khổ 1.435mm và làm thêm đường mới khổ 1.435mm bên cạnh. Phương án này không khả thi và hiệu quả thấp vì đường 1.000mm và đường 1.435mm có nhiều tính chất kỹ thuật rất khác nhau; không đáp ứng được nhu cầu vận tải.
* Phương án 2: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi, khổ 1.435mm với tốc độ 200 km/h (tương đương thời gian chạy tàu từ Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10 giờ) với mục tiêu vừa chuyên chở hàng hoá vừa chuyên chở hành khách. Phương án này có nhược điểm là khi thi công sẽ đình trệ toàn bộ tuyến đường sắt khổ 1.000mm hiện tại, không kinh tế và gây ùn tắc giao thông vận tải trục Bắc – Nam.
* Phương án 3: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ 1.435mm để vừa chuyên chở hành khách và hàng hoá với tốc độ 200 km/h (vì tốc độ lớn hơn thì không thể khai thác tàu hàng). Phương án này có nhược điểm là việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại sẽ thỏa mãn nhu cầu vận tải khách địa phương và vận tải hàng hóa; tuy nhiên, việc xây mới tuyến đường 1.435mm không đạt được mục tiêu vận tải khách với tốc độ cao. 
*Phương án 4: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách.
Sau khi phân tích kỹ các phương án, để đáp ứng các yêu cầu về vận tải đối với tuyến Bắc - Nam, đề nghị lựa chọn phương án 4 là xây dựng đường sắt mới có tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h) phục vụ vận chuyển khách.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực