Quy định rõ việc phân cấp quản lý đối với tổ chức hội

Thứ ba, 25/10/2016 18:37
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật về hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang)  phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 25/10. (Ảnh: BL)

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, có quá trình chuẩn bị khá dài, liên quan đến việc thực hiện quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của hội như: Về cơ quan quản lý nhà nước về hội; về đăng ký thành lập hội; về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội...

Về cơ quan quản lý nhà nước về hội, nhiều đại biểu đề nghị bỏ cơ chế liên ngành cùng quản lý đối với tổ chức hội và chỉ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hội.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, Bộ Nội vụ chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội; các Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về hội; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về hội tại địa phương.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang) cho rằng nên giao cho Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội hoặc quy định rõ việc phân cấp quản lý đối với tổ chức hội, nên quy định theo hướng trung ương quản lý cấp hội nào, địa phương quản lý cấp hội nào? Có như vậy mới tránh được tình trạng lãng phí trong phân bổ ngân sách. Đại biểu cũng đề nghị, nếu Luật được ban hành các hội phải hoạt động theo đúng quy định và đặc thù của hội.

Để việc quản lý hội được hiệu quả thống nhất, nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước để hoạt động của hội tuân thủ đúng pháp luật, không bị lợi dụng, vụ lợi và cần có chế tài xử lý khi hội vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó tiến tới giảm dần cán bộ nhà nước trong bộ máy của hội, xét duyệt các khoản kinh phí hỗ trợ, hợp lý, phù hợp theo hướng chỉ thật sự cần thiết thì nhà nước mới hỗ trợ kinh phí để mọi tổ chức hội tự chủ, tự trang trải tiến tới sự bình đẳng cần thiết giữa các tổ chức hội.

Về đăng ký thành lập hội, dự thảo Luật nêu về hai loại hội: một là hội có đăng ký và có tư cách pháp nhân do Luật về hội điều chỉnh; hai là hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký, không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của Luật về hội. 

Về vấn đề này, UBTVQH  cho rằng, theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền lập hội nhưng việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định. Vì vậy, Điều 11 của dự thảo Luật quy định công dân thành lập hội phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp. Mặt khác, nội dung này cũng là sự kế thừa quy định việc lập hội phải xin phép và được chính quyền cấp phép hoạt động quy định trong Luật quy định quyền lập hội.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên ở một khía cạnh khác, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) đề nghị, hội thành lập phải có nguồn gốc, khả năng tài chính. Người đại diện của hội phải khai báo rõ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của hội. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý xử lý tốt những vi phạm (nếu có) trong hoạt động của hội. Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định cụ thể về việc giải thể hội.

Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, dự thảo Luật quy định một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là “Cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.

Theo UBTVQH, để thực hiện tốt chức trách của mình thì cán bộ, công chức cũng phải chịu những hạn chế nhất định khi thực hiện quyền lập hội để không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động quản lý nhà nước. Về vấn đề này, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công. Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo Luật cũng quy định: cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 05 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm quy định như vậy có đúng với mọi trường hợp không, trong trường hợp họ tham gia sáng lập hội, không liên quan gì đến công việc trước đó của họ thì có nên quy định 5 năm không hay có quy định khác phù hợp. Ban soạn thảo cần cởi mở hơn để sau khi họ nghỉ chế độ, có điều kiện tham gia sáng lập, hoạt động trong hội mà họ lựa chọn, tâm huyết./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực