Sẽ nghiêm khắc đối với các trường hợp công bố chậm kết quả hệ thống hoá văn bản

Thứ sáu, 09/03/2018 20:56
(ĐCSVN) - Việc rà soát, hệ thống hóa văn bản được coi là một trong các công cụ hữu hiệu góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp làm “sạch” hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta.

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 cho cán bộ pháp chế các bộ, ngành và 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước lần đầu tiên được thực hiện cho kỳ 2009 - 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các bộ đã rà soát, hệ thống hóa 7.981 văn bản còn hiệu lực; 5.996 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 1.313 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. UBND cấp tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa 21.578 văn bản còn hiệu lực; 15.558 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần; 4.575 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên thống nhất trong cả nước như: thời gian công bố và báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản chưa được bảo đảm theo đúng quy định; hoạt động hệ thống hóa văn bản mới chỉ được triển khai tại các cơ quan trong phạm vi Chính phủ, …

 

Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).


Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của kỳ hệ thống hóa đầu tiên, bảo đảm việc triển khai hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 được thống nhất, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ngày 25/1/2018 ký Quyết định số 126/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018.

Theo đó, Kế hoạch thực hiện đã xác định cụ thể nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản; bảo đảm công bố đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản.

Phạm vi hệ thống hóa văn bản là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến hết ngày 31/12/2018 qua rà soát xác định còn hiệu lực (bao gồm cả các văn bản được ban hành nhưng đến hết ngày 31/12/2018 chưa có hiệu lực, trừ Hiến pháp) thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa của các cơ quan theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này, đồng thời từ những hạn chế của hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch của cơ quan mình để triển khai công việc đúng tiến độ, không tái diễn việc công bố kết quả hệ thống hóa chậm thời hạn như kỳ trước. “Chúng tôi sẽ kiến nghị nghiêm khắc đối với các trường hợp công bố chậm” – ông Ba nêu rõ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt nội dung của Kế hoạch số 126, tập huấn về kỹ năng thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018.

Trên cơ sở trao đổi, thảo luận những các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm triển khai trong quá trình thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ đầu tiên; các ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 tại các cơ quan đạt hiệu quả cao, thiết thực góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật…/.

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực