Sẽ thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Thứ năm, 23/02/2017 16:11
(ĐCSVN) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 đã nâng cấp hoạt động của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và cần bảo vệ khẩn cấp hoặc đang bị tổn hại…

Luật Trẻ em đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016 tại kỳ họp thứ 11 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017.

Cụ thể hóa 14 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều khoản được giao trong Luật Trẻ em. Dự thảo Nghị định cụ thể hóa 14 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tại dự thảo Nghị định đã quy định xây dựng các tiêu chí, điều kiện để xác định trẻ em thuộc từng nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Các điều kiện, tiêu chí xác định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, xác định từng trường hợp trẻ em cụ thể để có chính sách chăm sóc, bảo vệ tương xứng, phù hợp.

Đồng thời, tại dự thảo Nghị định đã quy định các nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm các nhóm chính sách về hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; chính sách chăm sóc sức khỏe; chính sách trợ giúp xã hội; chính sách hỗ trợ sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định, đây đang là vấn đề cấp bách hiện nay, vì bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng, thì  mặt trái của nó là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn như: bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng, bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh đến nhân cách và tinh thần của trẻ em. Do đó, tại dự thảo Nghị định đã quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng toàn diện, phù hợp với các yếu tố tâm sinh lý, nhận thức và nhu cầu, hoàn cảnh của trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet. Trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện, hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và trong nước.



Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Đồng thời, tại dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại dự thảo Nghị định bảo đảm thực chất, hiệu quả, để trẻ em phát huy được những lợi ích của môi trường mạng trong học tập và phát triển, đồng thời ngăn chặn kịp thời các xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. 

Nâng cấp hoạt động của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thiết lập Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 từ tháng 5 năm 2004 với sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: cung cấp thông tin trực tiếp trên điện thoại; kết nối các dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và cần bảo vệ khẩn cấp; thu thập, hệ thống hóa thông tin và thực hiện các báo cáo định kỳ, báo cáo theo các chuyên đề; cung cấp dịch vụ trực tiếp: dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý qua điện thoại và trực tiếp tại tổng đài. Từ thực tiễn hoạt động của Đường dây cho thấy, cần phát huy hơn nữa vai trò của Đường dây trong việc kết nối, chuyển tuyến, điều phối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên ngành, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại.

Do đó, tại dự thảo Nghị định đã nâng cấp hoạt động của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; quy định địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em phù hợp với yêu cầu tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; xác định rõ cơ chế hoạt động, cơ chế phối hợp can thiệp của Tổng đài với các cơ quan nhà nước, các tổng đài quốc gia khác có liên quan trong công tác bảo vệ trẻ em để bảo đảm hiệu quả của Tổng đài trong công tác bảo vệ trẻ em. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 (hai mươi tư) giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Về vấn đề này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Có ý kiến đề nghị không quy định về thành lập tổ chức trong dự thảo Nghị định có ý kiến đề nghị quy định rõ vị trí mô hình hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để làm căn cứ xác định nguồn tài chính, kinh phí hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy, để hướng dẫn quy định tại Điều 51 của Luật Trẻ em về vị trí, vai trò và xác định cụ thể trách nhiệm của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em trong quy trình tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, thì cần thiết phải có các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài. Đồng thời, để tránh phát sinh tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn phương án nâng cấp Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đang hoạt động được 13 năm thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và giao cho Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ quản lý.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực