Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế

Thứ sáu, 15/09/2017 19:04
(ĐCSVN) – Ngày 15/9, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn pháp luật với chủ đề “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Trong những năm qua, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tăng cường tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt là những người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội.

Hiến pháp năm 2013 cùng với hàng loạt luật của Quốc hội và văn bản dưới luật được ban hành đã thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trong xã hội.

Diễn đàn pháp luật “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế”. (Ảnh: TH)


Đối với trợ giúp pháp lý, khuôn khổ về trợ giúp pháp lý đã được hoàn thiện một cách căn bản với việc Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2017 vừa qua, đã đánh dấu những đổi mới quan trọng trong chính sách trợ giúp pháp lý theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý trên cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Về công tác hòa giải ở cơ sở, đây là một phương thức giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong cộng đồng dân cư mang tính truyền thống và đặc trưng của Việt Nam thông qua việc hình thành một cơ chế hỗ trợ giải quyết tranh chấp tại cộng đồng.

“Với nhiều chính sách, pháp luật mới được thông qua đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết: Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017 mở rộng đối tượng được TGPL. Theo đó, đối tượng TGPL đã được mở rộng hơn nhiều so với Luật năm 2006 (từ 7 nhóm lên 14 nhóm). Cụ thể, các nhóm đối tượng được TGPL theo Luật (sửa đổi) gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em (theo Luật Trẻ em 2016); người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Cục trưởng Nguyễn Thị Minh cho hay, với việc mở rộng diện người được TGPL, ngân sách chi cho công tác này chắc chắn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Đây là một thách thức đối với Việt Nam. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất bảo đảm triển khai các mặt hoạt động TGPL tại địa phương; trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện vụ việc tố tụng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng từ chối nhu cầu TGPL của người dân vì lý do trợ giúp viên pháp lý không bố trí được thời gian hoặc không đủ kinh phí để thuê luật sư, cộng tác viên…

Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực xã hội và huy động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để làm tốt công tác này. 

Bà Trần Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cho rằng, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý cần quy định tiêu chí “khó khăn về tài chính” rõ ràng để thuận tiện khi xác định đối tượng đủ điều kiện được trợ giúp. Đồng thời, thủ tục thanh toán cho tổ chức tư vấn pháp lý và luật sư được ký hợp đồng TGPL hiện khá rắc rối, cần được cải cách hành chính.

Theo  Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy người dân tích cực, chủ động sử dụng pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý một cách hữu hiệu trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột ngay tại cơ sở. Theo đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở với hoạt động của luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải tỏa kịp thời các vướng mắc, tranh chấp, xung đột tại địa bàn dân cư. 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ, bạo lực giới là hiện tượng xã hội không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến người khác và được thể hiện ở nhiều góc độ, nhiều phương diện của đời sống xã hội như: diễn ra trong gia đình, nhà trường, công sở. Hiện, pháp luật về bảo đảm công lý với nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới cũng ngày một hoàn thiện, phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Hiền cho hay, hệ thống pháp luật về chống bình đẳng giới hiện rất tản mạn, khó theo dõi, chưa đầy đủ; vấn đề bạo lực về giới liên quan đến tinh thần chưa cụ thể; điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật cũng còn hạn chế như: thiếu kinh phí, cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát…

Hiện, TANDTC đang xây dựng một số Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, Thông tư của Chánh án TANDTC để thực hiện các giải pháp về chống bạo lực về giới trong xét xử. TANDTC đã quy định mô hình phòng xét xử mới, Tòa gia đình và chưa thành niên tổ chức phiên tòa theo mô hình thân thiện…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực