Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tư pháp

Thứ sáu, 25/09/2020 19:44
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam, chiều 25/9.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tổ chức giao ban công tác tư pháp qua hình thức trực tuyến sẽ góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành.

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả, điểm nổi bật, mô hình, cách làm hay; đồng thời phân tích, mổ xẻ những hạn chế, tồn tại, điểm nghẽn, trong đó tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Đánh giá tác động chính sách; việc lấy ý kiến nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật, khó khăn, vướng mắc trong triển khai Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TH)

Trên cơ sở đó, cần đưa ra những đề xuất, kiến nghị khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020.

Báo cáo công tác tư pháp khu vực phía Nam, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, công tác tư pháp tại các địa phương trong khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đã bám sát 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao. Các công tác như văn bản quy phạm pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp tại các địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giảm tình trạng trễ hạn... Một số mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả như: Hội thi “Pháp luật cho mọi người”, Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020"; sách nói pháp luật cho người mù; thi tìm hiểu pháp luật trên internet “Cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”…

Một số lĩnh vực công tác có kết quả rõ rệt. Về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết, đã có 25/25 địa phương trong khu vực chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến, tuy số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 12% trên tổng số hồ sơ đăng ký hộ tịch, nhưng cũng đã ghi nhận sự phản hồi tích cực từ phía người dân. 

Bên cạnh đó, các công tác tư pháp khác cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn của tình hình chung và đạt được một số kết quả. Tuy vậy, công tác tư pháp trong khu vực vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập, cần khắc phục như công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy trong tình hình mới; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa có nhiều hình thức mới, tạo được bước đột phá; vẫn còn một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động công chứng; chất lượng hoạt động của bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp tại một số địa phương còn chưa tốt...

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 9 tháng đầu năm, số lượng giải quyết hồ sơ công chứng, chứng thực giảm 32% so với cùng kỳ.

Đại diện Sở Tư pháp Hậu Giang phản ánh, tại địa phương cán bộ làm công tác pháp chế phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi đó biên chế cho đội ngũ này còn thiếu. Trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và hướng dẫn về biên chế để kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Một số ý kiến đề nghị quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác pháp chế; trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, cần điều chỉnh thời gian đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với thời gian thực hiện đánh giá của các đảng bộ chính quyền cấp xã đạt trong sạch, vững mạnh và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Bộ Tư pháp sớm xây dựng và ban hành văn bản quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có tài sản thực hiện việc chọn lựa tổ chức đấu giá tài sản một cách công khai, khách quan, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và ban hành Thông tư hướng dẫn các quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để tăng cường hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động của thừa phát lại…/.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực