Tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh

Thứ năm, 16/07/2020 15:38
(ĐCSVN) – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, các cơ quan cần nghiêm túc thực hiện quy định hiện hành, chủ động thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo.

Sáng 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và năm 2021.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 4 dự án luật khác.

Theo Chương trình đã được Quốc hội quyết định, số lượng các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến hết năm 2020 là không nhiều nhưng lại tập trung vào một số cơ quan, trong khi từ nay đến Kỳ họp thứ 10 chỉ còn 03 tháng, còn nhiều trình tự, thủ tục phải thực hiện ở cả phía Chính phủ và Quốc hội. Do vậy, theo Ủy ban Pháp luật, để hoàn thành chương trình đề ra đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể, tập trung nguồn lực và quyết tâm thực hiện.

Theo Chủ nhiệm  Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến quy trình, thủ tục và hồ sơ dự án luật. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, đề nghị các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác. Trong 06 tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng: Số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Bên cạnh đó, các bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Do đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ; kiên quyết trả lại hồ sơ đối với các dự án, dự thảo không đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần thể hiện rõ quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ và đề nghị không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu  phát biểu tại Hội  nghị. Ảnh: TH

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa 2 dự án luật sau vào Chương trình điều chỉnh xây dựng luật năm 2020 là dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Hội nghị, các ý kiến đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua;  trên cơ sở đó kiến nghị cụ thể các giải pháp cần triển khai để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm hoàn thành chương trình đã đề ra.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 977/NQ-UBTVQH14, với phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra.

Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cần nghiêm túc thực hiện quy định hiện hành, chủ động thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ tháng 1/2021), để góp phần khắc phục các hạn chế được chỉ ra trong xây dựng dự án luật, thực hiện chương trình đã nêu ra nhiều lần thời gian qua…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực