Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế

Thứ hai, 10/07/2017 22:51
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu được tổ chức chiều ngày 10/7, tại Hà Nội.

Tiếp tục thể hiện tốt vai trò “gác cổng” về mặt thể chế

Báo cáo tình hình công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 37/40 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 90,25%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số mặt công tác có kết quả nổi bật như: Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện 371 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, được dư luận xã hội hoan nghênh; việc triển khai thi hành pháp luật, nhất là các luật có hiệu lực từ đầu năm và có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, được thực hiện bài bản hơn. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 75%, tăng trên 2% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền tiếp tục đạt kết quả cao;  công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đi vào nề nếp, kịp thời giải quyết yêu cầu của người dân và ngày càng được hiện đại hoá; các địa phương đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân và cơ bản khắc phục tình trạng chậm cấp phiếu; kết quả hoạt động công chứng, đấu giá tài sản tăng cao so với cùng kỳ 2016; công tác cải cách hành chính được quan tâm, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ được cải thiện.

Tuy nhiên, số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, nhất là các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng còn nhiều vướng mắc; vi phạm trong hoạt động công chứng còn nhiều; Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực vẫn còn; số việc và tiền có điều kiện trong THADS nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn còn rất lớn; thông tin phản ánh về các tiêu cực trong công tác THADS còn nhiều...


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).

Xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hướng dẫn quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có thông tin chính thức để người dân biết về Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Phó Giám đốc  Sở Tư pháp Hà Nội  Hồ Xuân  Hương nêu ý kiến: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề công chứng (phối hợp mở điểm tiếp nhận yêu cầu công chứng trái pháp luật) vẫn diễn ra ở các quận nội thành. Trong khi đó, biện pháp xử lý đối với việc vi phạm về mở cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng hiện chỉ dừng ở việc phạt tiền, chưa có hình thức xử phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: tạm đình chỉ hành nghề đối với công chứng viên hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng vi phạm. Trên cơ sở đó, kiến  nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ việc sơ kết thi hành Luật công chứng 2014 và có kế hoạch sửa đổi những bất cập của Luật công chứng 2014, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động công chứng.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương kết quả công tác của toàn ngành 6 tháng qua. Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như chất lượng công tác thẩm định chưa đạt như mong muốn; nợ đọng văn bản quy định chi tiết bắt đầu có hiện tượng ngày càng nhiều hơn, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng còn lại rất nặng nề.

Bộ trưởng đề nghị toàn ngành cần xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung. Riêng đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp cung cấp thêm thông tin để phục vụ quá trình sửa đổi, bổ sung.

Đối với những Luật được thông qua, Bộ trưởng mong muốn các địa phương lưu ý kế hoạch tổ chức triển khai, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai (nếu có), chủ động đề xuất phương án giải quyết…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực