Thẩm phán không được để người nhà, cán bộ dưới quyền nhận tiền, tài sản của bị can, đương sự

Thứ sáu, 21/09/2018 18:31
(ĐCSVN) – Đây là nội dung quy định tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán được Tòa án nhân dân Tối cao công bố sáng ngày 21/9.

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân (TAND)Tối cao tổ chức Hội nghị công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Chu Thành Quang cho biết: Bộ quy tắc gồm 3 chương, 17 điều, áp dụng đối với các thẩm phán công tác tại TAND, Tòa án quân sự các cấp; khuyến khích các thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác tự nguyện chấp hành các quy định của Bộ Quy tắc.

Không được sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, đương sự

Theo đó, Bộ quy tắc quy định rõ những chuẩn mực đạo đức của thẩm phán bao gồm: Tính độc lập; sự liêm chính; sự vô tư, khách quan; sự công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần.

Bộ Quy tắc cũng quy định ứng xử của thẩm phán, trong đó quy định rõ những việc thẩm phán không được làm trong thực hiện nhiệm vụ như: Lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc; sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình của bị can, bị cáo, đương sự; không để các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà thẩm phán giải quyết…

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin tại Hội nghị. (Ảnh: TH)


Tại cơ quan, Bộ Quy tắc quy định thẩm phán không được thực hiện không đúng thẩm quyền, lạm quyền, vượt quyền; đùn đẩy trách nhiệm cho người khác…

Mất uy tín là cơ sở để loại bỏ ra khỏi đội ngũ thẩm phán

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước ta đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiện toàn công tác cán bộ, việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán là hết sức có ý nghĩa.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Bộ Quy tắc không đặt ra chế tài nhưng nếu thẩm phán vi phạm thì uy tín không còn, tiêu chuẩn thẩm phán không xứng đáng, xã hội không thừa nhận, nhân dân không tin tưởng, đây cũng là cơ sở để loại bỏ ra khỏi đội ngũ thẩm phán.

“Chúng tôi mong muốn thẩm phán phải thấm nhuần, hiểu Bộ Quy tắc này, công chúng phải hiểu để giám sát các thẩm phán”, Chánh án nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Sắp tới, TAND tối cao sẽ truyền thông rộng rãi Bộ Quy tắc này đến đội ngũ thẩm phán và nhân dân. Mở hội nghị trực tuyến đến các tòa án, kể cả cấp huyện quán triệt về nội dung Bộ Quy tắc và in Bộ Quy tắc cả Tiếng Anh và Tiếng Việt cho các thẩm phán, trở thành tài liệu thường xuyên ở bên mình. Trên cơ sở Bộ Quy tắc, Tòa án sẽ đưa vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm phán và giảng dạy tại Học viện Tòa án.

Đề cập đến bình luận của chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị về việc áp dụng Bộ Quy tắc trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, chất lượng tư pháp do đội ngũ cán bộ tư pháp quyết định, trong đó thẩm phán đóng vai trò trung tâm, việc áp dụng chặt chẽ Bộ quy tắc không ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán, càng tôn trọng Bộ Quy tắc thì tính độc lập càng cao, nếu không tuân thủ cũng có nghĩa thẩm phán tự bị xã hội, người dân đào thải.

Về những khó khăn, làm thế nào để kiểm soát việc thẩm phán để  người thân, cấp dưới nhũng nhiễu, tiêu cực gây ảnh hưởng đến phán quyết xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đây là vấn đề khó, đòi hỏi thẩm phán phải tự giác tuân thủ, về phía Tòa án các cấp cũng sẽ có kiểm tra. Tuy nhiên, Chánh án cũng đề nghị cơ quan dân cử và người dân cùng giám sát…/.

Ngày 4/7/2018, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia đã ký ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán trong đó quy định những chuẩn mực đạo đức và những quy tắc ứng xử của thẩm phán. Bộ Quy tắc là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của thẩm phán, người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với thẩm phán. 
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực