Thanh tra Chính phủ phổ biến, quán triệt Luật Tố cáo năm 2018

Thứ tư, 19/09/2018 20:02
(ĐCSVN) - Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 chương với 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Đây là một trong những luật quan trọng đối với cán bộ thanh tra, đặc biệt là những thanh tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngày 19/9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tố cáo năm 2018 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Thanh tra.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Luật Tố cáo năm 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đây là một trong những bộ luật quan trọng đối với cán bộ thanh tra, đặc biệt là những thanh tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Thái Hải.

Theo Phó Tổng Thanh tra, cán bộ đi giải quyết tố cáo mà không nắm được Luật Tố cáo thì rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, yêu cầu các cán bộ thanh tra cần hiểu rõ những nội dung cơ bản cũng như những nội dung mới bổ sung, sửa đổi của Luật Tố cáo để vận dụng thực hiện đúng pháp luật trong quá trình giải quyết.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày những nội dung cơ bản, những điểm mới sửa đổi, bổ sung của Luật Tố cáo năm 2018.

Theo đó, điểm mới của Luật này là đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo; bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; bổ sung quy định về tố cáo nặc danh…

Đáng chú ý, Luật Tố cáo mới đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, quy định rõ bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Khi có căn cứ về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

 Để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong Luật này với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, khoản 2 Điều 3 của Luật quy định: “Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Trong Luật tố cáo (sửa đổi), thời hạn giải quyết tố cáo giảm từ 60 ngày như hiện hành xuống còn không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Luật bổ sung thêm hình thức “đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực