Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử tội phạm mua bán người

Thứ ba, 05/12/2017 16:56
(ĐCSVN) – Các ý kiến đề nghị Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm có liên quan cần cụ thể để áp dụng thống nhất trong truy tố, xét xử.

Ngày 5/12, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo tham vấn về một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm có liên quan.

Cần thiết xây dựng Nghị quyết hướng dẫn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Mua bán người đã trở thành một hoạt động mang lại lợi nhuận lớn cho các tổ chức tội phạm.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về “Tội mua bán người” (Điều 150), “ Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151) và một số tội phạm khác có liên quan.

Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TH)

Thực hiện Kế hoạch triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND, để có cơ sở thực tiễn cho việc hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tội mua bán người, Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tập trung vào những vấn đề còn cách hiểu khác nhau, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thống nhất áp dụng trong thực tiễn xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Chí Công khẳng định, việc nghiên cứu xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 2015 về "Tội mua bán người", "Tội mua bán người dưới 16 tuổi" và các tội phạm có liên quan là rất cần thiết và ý nghĩa. Bộ luật hình sự 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về các tội danh:Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm có liên quan. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC dự kiến cơ cấu một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết như: Xác định hành vi mua bán người, một số tình tiết định khung hình phạt; truy cứu hình sự một số trường hợp cụ thể; hướng dẫn việc truy cứu trách  nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi…

Cần hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất trong truy tố, xét xử

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên đề nghị Nghị quyết hướng dẫn ngắn gọn dễ hiểu cho người áp dụng. Nhiều trường hợp cần nêu ví dụ cụ thể  để minh họa.

Theo Chánh án Phạm Minh Tuyên, thực tế xét xử các tội phạm mua bán người cũng như mua bán trẻ em trong thời gian qua có nhiều khó khăn bởi các tội phạm này thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang, nên khi điều tra thì việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội. Chính vì vậy, rất dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội, dẫn đến tình trạng hủy án tràn lan.

Đồng quan điểm, đại diện Bộ Công an cho biết, quan trọng của dự thảo Nghị quyết này là cần xác định tội danh như thế nào là Tội mua bán người, xác định các hành vi mua bán người. Cần có ví dụ cụ thể để cơ quan áp dụng như: hành vi dùng vũ lực để cướp tài sản khác với cưỡng đoạt tài sản; Hoặc hành vi đe dọa mại dâm là hành vi ngay tức khắc hay các trường hợp vừa tổ chức mại dâm vừa mua bán người vừa vận chuyển thì truy tố ra sao cần quy định rõ…

Từ thực tế xét xử 5 năm qua với trên 40 vụ án liên quan đến hành vi này tại tỉnh Quảng Ninh, đại diện TAND Quảng Ninh phản ánh: Bị cáo đưa ra xét xử ít người là địa phương mà ở các địa phương khác. Có những đứa trẻ cơ quan biên phòng bắt giữ, trao trẻ laị thì đứa trẻ đó không biết bố mẹ là ai nên không thể tìm được bị hại. Hoặc có nhiều vụ án mua bán người, bị hại bị đưa ra nước ngoài không xác định được họ ở đâu?. Do đó, trong xét xử không đảm bảo quyền lợi cho bị hại như tống đạt giấy tờ, vậy xét xử có vi phạm tố tụng hay không đề nghị hướng dẫn.

Nguyên Thẩm phán TANDTC Nguyễn Quang Lộc nêu thực tế các dấu hiệu khách quan của hành vi mua bán người với di cư trái phép tương tự nhau, trong khi đó BLHS 2015 không quy định tội “Di cư trái phép", do đó cần có hướng dẫn để không nhầm lẫn.

Trong khi đó, một số Tòa án yêu cầu cơ quan điều tra phải chứng minh số tiền mua bán người khi mà không thể chứng minh được, bởi rất khó khăn nếu người mua là người nước ngoài…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực