Thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học

Thứ bảy, 26/06/2010 18:49

(ĐCSVN) - Ngày 16/12/2009 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 869 thành lập Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2009. Mới đây, trong chương trình kỳ họp Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả hoạt động giám sát chuyên đề trên. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu một số ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tập trung vào cả 3 nội dung đã được tiến hành giám sát, nêu rõ những ưu điểm và những tồn tại, yếu kém, đặc biệt là những nguyên nhân, hướng khắc phục trong thời gian tới như bản báo cáo đã trình trước Quốc hội,

Đại biểu Đặng Thị Nga - Lâm Đồng: Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Qua tiếp xúc với cử tri cũng như tình hình thực tế giám sát tại địa phương, tuy nhiên cũng có ý kiến như sau:

Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học trong thời gian qua cơ bản đều thực hiện đúng với quy định, nhất là thành lập trường và nâng cấp trường, đảm bảo đúng quy định, đủ điều kiện ban đầu theo các tiêu chí được Bộ Giáo dục và đào tạo và các ngành có chức năng thẩm định. Sự tương quan giữa quy mô, chất lượng, các điều kiện đều đảm bảo như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tổ chức quản lý, phòng thí nghiệm thực hành đáp ứng được các tiêu chí trong điều kiện và quy chế hoạt động của các loại hình trường. Các trường đã thực hiện tốt quy định của Nhà nước về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng tài chính, hoàn thành được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt, trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại hạn chế là: một số trường mới được nâng cấp thành lập còn thiếu những điều kiện, tiêu chí như: chưa đủ diện tích đất, số giảng viên cơ hữu còn thiếu, chưa chuẩn hóa đúng quy định. Một số trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên mới được bắt đầu, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên còn cao so với quy định. Việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng vào giảng dạy học tập cũng như áp dụng vào thực tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Có trường được nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa đủ phòng học, thư viện, ký túc xá, sách và giáo trình chuyên ngành mới và hệ đào tạo mới.

Việc thực hiện chủ trương đào tạo theo như nhu cầu của xã hội chưa được đáp ứng, sinh viên mới ra trường khi thực hiện nhiệm vụ được giao còn lúng túng, thụ động, chưa khẳng định được mình vì trong thời gian đào tạo còn thiếu thực tế, thực hành, thực tập. Sinh viến khối xã hội nhân văn đào tạo nhiều, nhưng khó khăn trong tìm việc làm đúng với chuyên ngành đã được đào tạo. Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, tôi đề nghị đối với Quốc hội sau giám sát tại kỳ họp này có Nghị quyết chuyên đề riêng về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục, đại học, cao đẳng. Đánh giá những mặt được, chưa được còn hạn chế yếu kém, đặc biệt là đánh giá đúng chất lượng đào tạo đại học hiện nay. Đối với Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát đánh giá thật chặt chẽ khi thẩm định cho mở trường và nâng cấp trường, chỉ khi đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép tuyển sinh và thực hiện đào tạo. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo đại học sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, thì có thể đình chỉ đào tạo hoặc hạ cấp, kể cả các trường công lập và ngoài công lập. Đối với Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị như sau:

Một là nên phân cấp mạnh mẽ và cụ thể việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng về tổ chức đào tạo, tài chính v.v..., xây dựng cơ chế học phí linh hoạt hơn cho các trường, các ngành học.

Hai là nghiên cứu xây dựng quy chế tuyển sinh dự định trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 cho phù hợp với tình hình đào tạo, nhất là các trường đào tạo theo tín chỉ.

Ba là xây dựng hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng đại học làm quy chuẩn cho hệ thống giáo dục đại học và tự đánh giá của các cơ sở giáo dục đại học.

Bốn, đề nghị tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức liên kết, đào tạo hệ phi chính qui và hệ sau đại học, tránh tình trạng liên kết tràn lan trong khi chất lượng đào tạo ngay tại chỗ chưa đáp ứng, đảm bảo. Đề nghị giao chỉ tiêu đào tạo phi chính quy cho các trường đại học và cao đẳng.

Năm, về suất đầu tư, để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị Nhà nước cấp đúng, cấp đủ kinh phí theo định mức đầu tư để các trường đại học, cao đẳng đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học

Sáu, vào tháng 5/2009, Quốc hội đã thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2010 - 2015. Năm học 2009 - 2010 sắp kết thúc, tháng 9/2010 là vào năm học mới, nhưng đến nay thâm niên của giáo dục chưa có văn bản của Chính phủ triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ văn bản này để kịp thời ban hành, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo trong năm học mới 2010 - 2011.

Đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay, mặc dù chúng tôi luôn phản ảnh những ý kiến kiến nghị của cử tri trên diễn dàn Quốc hội về những yếu kém, tiêu cực trong ngành giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo đại học, trên đại học nói riêng, nhưng rất ít được các cấp có chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết. Trái lại, trong một số Báo cáo tiếp thu, giải trình mang tính thanh minh, bao biện, bao che, né tránh trách nhiệm nên cái gì đến sẽ đến. Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học tuy chưa đề cập đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, quyết liệt những bức xúc của cuộc sống nhưng dù sao cũng đã vẽ lên được những mảng sáng, mảng tối của bức tranh giáo dục đại học, đó là:

Một, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ, một số quy định thiếu cụ thể, khả thi, nhiều vấn đề chưa có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh.

Hai, việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương. Chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng có phần dễ dãi, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường địa phương.

Tình hình như vậy nhưng phần nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong Báo cáo có phần còn né tránh, ngại va chạm nên chưa mổ xẻ đến nơi, đến chốn để làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Đặc biệt Báo cáo không hề đề cập đến phần trách nhiệm thuộc về ai, một nội dung rất quan trọng mà trong bất kỳ báo cáo giám sát nào cũng phải có. Không có nội dung này nên cuối cùng không ai chịu trách nhiệm và tất cả đều vui vẻ "hòa cả làng".

Tôi đề nghị Quốc hội cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo và vai trò của Bộ trưởng nói riêng, bởi Bộ giáo dục và đào tạo được Quốc hội, Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tại sao không tập trung đầu tư vào nhiệm vụ chính là nghiên cứu thực tiễn để xây dựng, ban hành kịp thời, có chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý nhà nước mà lại can thiệp quá sâu vào công việc của các trường, cho thành lập tràn lan các trường đại học, cao đẳng. Quá say sưa với dự án đào tạo 20.000 tiến sỹ, 4 trường đại học quốc tế, loay hoay phát động hết phong trào này đến phong trào khác, kể cả phong trào quyên góp quần áo cho các cháu học sinh miền núi.

Đề nghị làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường đại học, cao đẳng những năm gần đây, có yếu tố do năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh - TP Hà Nội: Tôi tán thành cao với bản Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo đã cho chúng ta hình dung được bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học hiện nay. Có thể trong những năm qua giáo dục đại học đã có những kết quả rất đáng trân trọng, nổi bật nhất là sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng các trường, số lượng sinh viên. Việc xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng đã có những cố gắng, xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục từng được được cải thiện và qua đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cũng như đảm bảo nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để khắc phục. Tuy nhiên xin được nhấn mạnh thêm một số điểm mà cần phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ nhất, do việc triển khai chủ trương đa dạng hóa giáo dục chưa có cơ chế, chính sách cụ thể đầy đủ, chưa có kế hoạch, lộ trình và bước đi phù hợp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đại học. Khả năng dự báo kết quả thực hiện chính sách của cơ quan chức năng chưa tốt. Từ năm 1998 đến nay nhiều trường đại học, cao đẳng đã được thành lập mới hoặc được nâng lên theo chủ trương đa dạng hóa giáo dục. Trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, năng lực đào tạo còn chưa được chuẩn bị tương xứng, đội ngũ giáo viên thiếu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Trong khoảng 20 năm mà số sinh viên tăng lên 13 lần nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần. Một số trường không có địa điểm ổn định phải đi thuê nhiều nơi do đó tình trạng giáo viên chạy sô, sinh viên không biết trường mình ở đâu là điều dễ hiểu. Lấy danh nghĩa là đa dạng hóa giáo dục nhiều trường đại học, cao đẳng lại tập trung vào đào tạo hệ không chính quy theo báo cáo giám sát năm học vừa rồi cả nước có khoảng 900 ngàn sinh viên không chính quy, chiếm 50% số sinh viên đại học, cao đẳng, thậm chí có trường số sinh viên chính quy lên đến 65%. Để đảm bảo chỉ tiêu nhiều trường đã hạ thấp điểm chuẩn đầu vào, những con số trên thực sự đáng báo động về chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, chất lượng học tại chức, học liên kết liên thông chưa được kiểm soát, chương trình giáo dục đại học khung được ban hành cách đây 10 năm, nhưng chưa được nghiên cứu sửa đổi, chưa gắn giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, giữa đào tạo và nhu cầu đưa đến thực tiễn và khả năng ứng dụng của sinh viên sau tốt nghiệp chưa tốt.

Thứ hai, việc chưa có hướng dẫn triển khai quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng của cả nước giai đoạn 2006 - 2020 tại các địa phương, đặc biệt đối với các trung tâm giáo dục lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nên chưa giúp các địa phương tháo gỡ những áp lực xã hội do sự quá tải của các trường đại học, cao đẳng và sinh viên trên địa bàn, chưa tạo sự gắn kết giữa quy hoạch mạng lưới các trường với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đối với thành phố Hà Nội, mặc dù Điều 1, Mục 1 Quyết định số 121 tháng 7 năm 2007 về việc phê duyệt mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 đã quy định rõ là phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phải đáp ứng yêu cầu di dời của các trường trong khu vực nội thành thành phố Hà Nội, nhưng đến thời điểm này thì chưa có một trường nào di dời khỏi nội thành mà nguyện vọng chung của các nhà trường là có thêm cơ sở 2 chứ không di dời, các trường đại học, cao đẳng chủ yếu nằm trên các địa bàn quận nội thành, hiện nay có khoảng 58 trường do đó áp lực xã hội từ hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn lớn, việc triển khai dự án đại học quốc gia nhằm góp phần giảm tải cho Hà Nội thì triển khai quá chậm.

Vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiến hành giám sát dự án Đại học quốc gia cho thấy gần 15 năm qua theo mục tiêu là đến năm 2010 đào tạo 35 ngàn học sinh, nhưng đến tháng 1 năm 2010 thì quy hoạch xây dựng đại học Quốc gia mới được phê chuẩn sau nhiều lần điều chỉnh, tổng số vốn đầu tư cho đại học Quốc gia cho đến nay là 880 tỷ đồng/tổng vốn dự toán là 29000 tỷ đồng. Hạng mục duy nhất đã đưa vào sử dụng là khối nhà công vụ nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, chưa có một phân khu tái định cư nào được hoàn thành khi số hộ dân cần tái định cư là hơn 700 hộ.

Thứ ba, thời gian qua cơ quan quản lý giáo dục đại học đã phát hiện ra sự không phù hợp của một số chính sách pháp luật khi áp dụng vào thực tiễn nhưng chậm đề xuất hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh, có chính sách đã được chỉnh sửa nhưng vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Việc ban hành chương trình khung, việc mở ngành công tác thanh, kiểm tra vẫn còn những hạn chế. Tôi cho rằng việc nâng cao hơn nữa năng lực quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng là vấn đề then chốt cần tập trung giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Hội - Thừa Thiên - Huế: Qua Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII. Từ ngày Ủy ban ban hành nghị quyết số 869 ngày 16 tháng 12 năm 2009 thành lập Đoàn giám sát đến tháng 4 năm 2010 cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện quy mô một cuộc giám sát chuyên đề đầy trách nhiệm và đã đưa ra các đánh giá đúng thực trạng giáo dục đại học, cao đẳng của Việt Nam hiện tại. Qua đó, đại biểu Nguyễn Hội đóng góp 3 ý kiến đó là: Thứ nhất là về thành lập trường đại học, cao đẳng. Thành lập trường đại học, cao đẳng cần hội đủ một số yếu tố cơ bản như sau. Một là theo Luật giáo dục (sửa đổi) năm 2005, đội ngũ giảng viên cơ hữu tối thiểu đảm trách đủ 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành nghề, thực chất điều này cần được hiểu nghiêm túc là giảng viên cơ hữu cần có tối thiểu là 60% đội ngũ là các tiến sỹ kinh nghiệm giảng dạy, các tân tiến sỹ hay các nhà nghiên cứu học giả tiếng tăm.

Thứ hai, cũng theo Luật giáo dục năm 2005, ngân sách điều hành cần có ít nhất là 50 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng là tiền mặt.

Thứ ba, ngoài hai yêu cầu ấy chúng tôi thiết nghĩ, trường đại học, cao đẳng đòi hỏi phải có đội ngũ phụ trách quá trình và quản lý chuyên môn đại học, còn cần có thư viện chuyên ngành, đa ngành đầy đủ các tài liệu Việt ngữ và ngoại ngữ, cần có hệ thống sách giáo khoa chuyên ngành cập nhật, các phòng LAB thực nghiệm và các ngân hàng đề thi đạt chuẩn với các trường đã thành lập thì được điều chỉnh theo các yêu cầu vừa nêu.

Điểm thứ hai về đầu tư cho đại học và cao đẳng cần có 5 điểm tối thiểu để thực hiện.

Thứ nhất lương giáo viên cao đủ để bảo đảm đời sống gia đình để giáo viên có thể nhất tâm tập trung vào công tác giảng dạy, hướng dẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai có phòng riêng để làm việc tại trường, giao cho cán bộ giáo viên cơ hữu hay ít nhất là giáo sư chủ nhiệm các bộ môn để tiện việc hướng dẫn, nghiên cứu.

Thứ ba giúp các giáo viên cơ hữu có điều kiện tham gia các diễn đàn đại học nghiên cứu tu nghiệp ở trong nước và ngoài nước.

Thứ tư tăng cường ngân sách điều hành hàng năm cho phát triển tài trợ của nhà nước.

Thứ năm tuyển các sinh viên ưu tú đưa đi học nhiều ngành học ở nước ngoài, nơi có nền giáo dục tiên tiến.

Việc tiếp theo về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng.

Việc thứ nhất thành lập Bộ đại học chuyên trách phát triển giáo dục đại học, cao đẳng song song với Bộ giáo dục. Bộ giáo dục chỉ chịu trách nhiệm giáo dục từ mẫu giáo đến cấp trung học. Thành phần lãnh đạo Bộ đại học gồm các chuyên gia giáo dục đại học tâm lý, quản trị.

Thứ hai mở rộng tự chủ đại học, tự chủ về bổ nhiệm giáo viên, tự chủ về bổ nhiệm cán bộ giáo dục chuyên môn về tuyển sinh, giảng dạy và thi cử.

Thứ ba hình thành ổn đinh hệ thống sách giáo khoa cập nhập cho các bộ môn đại học, cao đẳng.

Thứ tư giảng dạy đề cao tinh thần phê phán. Nếu các yêu cầu vừa nêu được đáp ứng thì ắt hẳn có điều kiện cần và đủ để giáo dục đại học cao đẳng có chất lượng cao và ngày một được đổi mới và nâng cao./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực