Thi hành án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn

Thứ năm, 19/07/2018 18:06
​(ĐCSVN) - Giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán, đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành án tham nhũng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn…

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc Giao ban công tác thi hành án dân sự (THADS) Quý III do Tổng cục THADS tổ chức bằng hình thức trực tuyến, ngày 19/7.

 Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: TH)


Tỷ lệ thi hành xong về tiền giảm 6,98% so với cùng kỳ 2017

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), 9 tháng qua (từ 1/10/2017 đến 30/6/2017), các cơ quan THADS  đã thụ lý 787.187 việc. Tổng số phải thi hành là 778.434 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 601.170 việc (chiếm 77,23% trong tổng số phải thi hành). Kết quả, thi hành xong 389.293 việc, đạt 64,76%.

Về tiền, tổng số thụ lý là trên 184.016 tỷ đồng. Tổng số phải thi hành là hơn 171.711 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 101.534 tỷ đồng (chiếm 59,13% trong tổng số phải thi hành). Kết quả, thi hành xong là 19.878 tỷ đồng, đạt 19,58%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Cụ thể, kết quả công tác THADS 9 tháng đạt tỷ lệ thấp: Mặc dù tỷ lệ thi hành xong về việc tăng 1,01%, tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong về tiền giảm 6,98% so với cùng kỳ 2017. Số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau giảm 1,64% về tiền nhưng lại tăng 0,87% về việc so với cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu đề ra là giảm 3%.

“Cảnh báo toàn Hệ thống có khả năng không hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền là có thể xảy ra”, ông Khôi nói.

Bên cạnh đó, một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành.

Mặt khác, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua gần một năm thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ như: Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá hoặc lợi dụng quyền công dân, phương tiện thông tin đại chúng để khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban, ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án…

Tập trung quyết liệt thi hành án tham nhũng, kinh tế

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng  Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cũng lưu ý, đây là thời điểm rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ cả năm 2018, có thể nói đã chạm đến vạch “cảnh báo đỏ” giá trị thi hành án về tiền.

Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cho hay: Hà Nội có 9 đơn vị đạt tỷ lệ về tiền thấp dưới 10%.

Ông Lê Quang Tiến cũng chỉ ra khó khăn là do tại Hà Nội, án tín dụng, ngân hàng, kinh tế nhiều, trên 300 vụ đã bán đấu giá thành nhưng chưa tổ chức giao được, những vụ việc này đều phải áp dụng cưỡng chế giao tài sản. Đơn cử như vụ án Giang Văn Đạt, còn hơn 20 tài sản nằm ở TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… mà theo luật thì phải giải quyết ở Hà Nội trước, trên cơ sở đó đề nghị cho phép ủy thác để các cơ quan khác thực hiện.

Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh thông tin: Thành phố đang tổ chức thi hành án vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Công ty cho thuê tài chính 2 với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, sau khi tổ chức ở địa phương mới ủy thác được nên chậm thi hành. Bên cạnh đó, các bị cáo đang chấp hành án ở trại giam, nên quy trình tống đạt cũng khó khăn vì nằm ở nhiều tỉnh, thành khác nhau; cộng thêm có bị cáo không hợp tác nên dẫn đến khó khăn trong thi hành án.

Phát biểu tại buổi họp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nhấn mạnh: Chỉ còn gần 3 tháng để về đích, 9 tháng kết quả THADS về việc tương đương như năm 2017 cho thấy chưa có sự đột phá, trong khi đó tỷ lệ thi hành xong về tiền, số có điều kiện chuyển sang kỳ sau cũng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Điều này đặt ra nhiều thách thức.

Ông Mai Lương Khôi cho rằng, cần giải pháp và quyết tâm cao để hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Theo đó, cần tập trung cao độ tổ chức thi hành án bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; nhất là chỉ tiêu về việc và về tiền, tránh tình trạng “chưa ra trận mà đã chấp nhận thua”. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Hệ thống, hạn chế thấp nhất các trường hợp sai phạm bị xử lý. Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thi hành án các vụ án lớn, trọng điểm liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, các vụ án tín dụng ngân hàng, đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực