Thông điệp mạnh mẽ!

Thứ ba, 20/11/2018 15:21
(ĐCSVN) - Cải tiến, đổi mới, hành động vì lợi ích của nhân dân là thông điệp mạnh mẽ truyền đi từ Hội trường Diên Hồng khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại sau 22,5 ngày đầy sôi động.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khép lại sau 22,5 ngày làm việc (Ảnh: KT)

Có lẽ, không phải chờ đến Kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước mới nhận thấy, Quốc hội đã và đang tiến hành những kỳ họp theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân. Tiếp đà của những kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục có những chuyển động rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt: Công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Điều đặc biệt đầu tiên là Kỳ họp đã tạo nên sức cuốn hút ngay từ ngày đầu. Sự hấp dẫn nhất tại Kỳ họp đến từ công tác nhân sự. Theo chương trình, ngay từ những ngày đầu của Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước. Và với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tiếp đó, điều ấn tượng nhất của kỳ họp đến từ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” như đã bắt đầu áp dụng tại kỳ họp trước. Thế nhưng, điểm mới lịch sử so với các kỳ họp trước là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà các đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư. Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Như vậy, chương trình rất “mở”, phạm vi chất vấn rất rộng, không bó hẹp theo nhóm vấn đề và không thể biết trước ai sẽ phải “ngồi ghế nóng” như thông lệ.

Thực tế, không phụ lòng mong mỏi của cử tri cả nước, các vấn đề được đưa ra chất vấn trải rộng từ giáo dục, y tế đến du lịch, khoa học công nghệ..., từ vĩ mô đến những sự việc đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân đều được đưa ra chất vấn. Theo thống kê, có tổng cộng 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận. Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã rất “nóng” khi các đại biểu liên tục sử dụng quyền tranh luận để làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện những vấn đề đã được nêu trong nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội. 

Càng ấn tượng hơn nữa, lần đầu tiên ở một phiên chất vấn có rất đông các thành viên Chính phủ tham gia trả lời. Xin nhắc lại, tại kỳ họp gần nhất – Kỳ họp thứ 5, hồi tháng 6 vừa qua, chỉ có 4 Bộ trưởng được chỉ định trả lời chất vấn và một số thành viên Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu ra. Còn tại kỳ họp này, con số ấn tượng là: 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.

Cử tri đánh giá rất cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Như lời Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ là cử tri đã thấy “hình bóng” của mình qua các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nói về những điểm nhấn trong hoạt động của Quốc hội, hẳn sẽ thiếu sót khi không nhắc đến việc Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây chính là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Như thông lệ, Quốc hội tiếp tục xác định công tác lập pháp là nội dung quan trọng của chương trình nghị sự. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 09 luật và cho ý kiến về 06 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này. Điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, khép lại kỳ họp, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có lẽ sẽ còn nhiều điều cử tri chưa thật sự thỏa mãn, chưa thật an tâm. Đâu đó, vẫn còn những nỗi lo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước mà ngay cả bản thân một số đại biểu cũng còn băn khoăn, trăn trở.

Nhìn lại toàn bộ diễn biến Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đều ghi nhận, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục có những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với tinh thần ấy, cử tri cũng mong muốn những quyết sách của Quốc hội không chỉ dừng lại ở Hội trường Diên Hồng mà sẽ được Chính phủ triển khai quyết liệt và phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Những lời hứa sẽ được hiện thực hóa, những vấn đề tồn đọng được giải quyết rốt ráo, những cơ chế, chính sách bất hợp lý phải được sửa đổi ngay “cho dân nhờ”.... cũng chính là mong mỏi của cử tri mỗi khi Kỳ họp khép lại./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực