Thu hút đầu tư vào đặc khu kinh tế: Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của nhà đầu tư

Thứ tư, 22/11/2017 18:52
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đồng tình với các điều khoản và sự cần thiết ban hành dự thảo Luật. Tuy nhiên một số đại biểu (ĐB) cũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn như: phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, sự cần thiết ban hành Luật, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB); mô hình chính quyền ở các đặc khu…

Cụ thể, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật quy định, chính sách thu hút đầu tư vào đơn vị HCKTĐB cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường và thiên nhiên.

Việc xem xét, đánh giá về tác động của chính sách được đề xuất cần được tiến hành một cách toàn diện đối với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp hiện hữu, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở và tác động đối với cư dân địa phương. Đồng thời, xác định rõ các ngành, nghề chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, tránh trùng lặp, tránh áp dụng dàn trải các chính sách dẫn đến cạnh tranh giữa chính những đơn vị HCKTĐB với nhau; phải xác định cạnh tranh chủ yếu là với các nước trong khu vực và quốc tế.

Đồng tình với nội dung được quy định tại dự thảo Luật, tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xác định rõ thời điểm này không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó phải xác định một nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập và điều hành các đặc khu này.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, đã cấp phép cho nhà đầu tư vào thì phải tạo nội lực cho họ. Tuy nhiên, phải bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc truyền thống văn hóa Việt Nam. “Nhà đầu tư nào, ngành nào đáp ứng được điều này chúng ta làm và khi họ cam kết nửa chừng không đáp ứng được, căn cứ vào luật chúng ta có quyền có ý kiến, thu hồi hoặc xử lý các dự án”, ĐB cho hay.

ĐB cũng đề nghị thành lập luật chung về đặc khu kinh tế. “Nếu xuất hiện các đặc khu mới, có cơ hội mới thì Quốc hội ra Nghị quyết. Như vậy chúng ta không phải sửa luật nữa”, ĐB nói.

Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định một số chính sách ưu đãi liên quan tới đất đai, tài sản gắn liền với đất tại đơn vị HCKTĐB như về: thời hạn sử dụng đất; việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư; quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại…

Về vấn đề này, qua thảo luận một số ĐB cho rằng, việc quy định các chính sách ưu đãi có tính vượt trội, đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan tới an ninh, chủ quyền quốc gia, đối với một số địa bàn còn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân do tác động của việc thu hồi đất. Các khu vực dự kiến thành lập đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, hiện đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế. Do đó, một số ĐB đề nghị cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân; quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, Ban soạn thảo  nghiên cứu lại không thể miễn thuế tiền thuê đất cuối đời dự án. Theo ĐB, như vậy không khác gì chúng ta cho không đất đai cho những người thuê đất.

Về vấn này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ thời hạn thuê đất 99 năm, áp dụng như hiện nay tối đa là 70 năm và xem lại khái niệm đầu tư chiến lược. ĐB Nghĩa cũng đề nghị cần xem xét có những quyền phải giao Chính phủ .

Theo đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình), với điều khoản về thuê đất quy định 70-99 năm theo bà là quá dài, đề nghị chỉ cho thời gian 50 năm để phù hợp với Luật đất đai. Vì hiện nay nếu cho thuê quá thời gian này phải được Thủ tướng cho phép. Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định liên quan đến phí và lệ phí, vốn chưa được nêu trong dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, sự cần thiết ban hành Luật, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thống nhất việc cần thiết phải ban hành Luật. ĐB cho rằng, đây chính là điều kiện tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật, theo ĐB không nên chỉ giới hạn trong 3 đặc khu, vì mang tính cá biệt, không có tính linh động với đơn vị đặc khu khác sau này thành lập. Vì thông qua luật, việc thành lập từng đơn vị đều có nghị quyết của Quốc hội, do vậy, nên có điều chỉnh về phạm vi và đối tượng áp dụng luật. ĐB cũng đề nghị bổ sung tiêu chí rõ ràng, cụ thể thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tránh lợi dụng.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực