Thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong khu vực tư

Thứ ba, 28/07/2020 15:39
(ĐCSVN) - Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính và phát triển kinh tế lành mạnh, ổn định.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Tham vấn Dự thảo Báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp (DN), tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác PCTN với việc ban hành các nghị quyết của Trung ương Đảng, Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia về PCTN và nhiều quyết sách khác; đã tiến hành nhiều biện pháp PCTN cụ thể với những kết quả nhất định. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư. Thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm  phát biểu khai mạc hội thảo.

(Ảnh: TH)

Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018.

 Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên được dư luận rất quan tâm đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội. Đồng thời, Luật cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. 

Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước. “Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009”- bà Sitara Syed nói.

 Song theo bà Sitara Syed, việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng thực thi những quy định hiện hành của pháp luật trong nước và quốc tế về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó đưa ra đề xuất hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Theo các đại biểu, để phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân hiệu quả, doanh nghiệp phải trang bị kiến thức, năng lực xử trí tình huống, biết cách vận hành và làm việc sao cho hiệu quả thay vì chỉ biết tìm đến người giúp. 

Đồng thời, cần phải có cơ chế tiếp nhận thông tin phản hồi tốt để đảm bảo hiệu quả phòng, ngừa tham nhũng, tránh việc đi lòng vòng, không đến đúng người, xử lý không đúng việc. Mặt khác, cần phải có nhiều bên giám sát cùng tham gia vào quá trình phòng, chống tham nhũng trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. ../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực