Triển khai hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ sáu, 11/01/2019 16:30
(ĐCSVN) - Năm 2018, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã giải quyết xong 45 vụ việc với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 28,3 tỷ đồng. Năm 2019, ngành Tư pháp tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2018, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Các hoạt động quản lý về công tác bồi thường nhà nước từng bước được thúc đẩy theo quy định của Luật mới; chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường; hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Trong năm 2018, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 94 vụ việc, trong đó có 32 vụ việc thụ lý mới (giảm 22 vụ việc so với năm 2017), đã giải quyết xong 45/94 vụ việc, đạt tỉ lệ 47,8% (tăng 11,2% so với năm 2017) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là hơn 28,3 tỷ đồng (giảm gần 4,5 tỷ đồng so với năm 2017).

 Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cái Nước (Cà Mau) tổ chức công khai xin lỗi người dân bị oan sai.
(Nguồn: dantri.com.vn).

Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tại một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động; việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chưa kịp thời, nhất là phối hợp với các cơ quan rà soát các vụ việc bồi thường phức tạp, kéo dài để trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết dứt điểm; vẫn còn nhiều vụ việc chưa được giải quyết xong trong năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong năm 2019, ngành Tư pháp tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; chú trọng kiểm tra liên ngành về công tác triển khai thi hành Luật.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các ngành tư pháp, toà án, kiểm sát, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, trong đó chú trọng phối hợp để tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã thụ lý theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, hoặc thống nhất nội dung trả lời đối với các đơn, thư kéo dài có liên quan đến yêu cầu bồi thường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực