Vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ năm, 03/06/2010 17:34

(ĐCSVN) - Sáng 3/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Chánh án TAND Tối cao và các thành viên Chính phủ trình 3 dự án luật: Luật tố tụng Hành chính; Luật Viên chức và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 8 chương, 66 điều, trong đó đặc biệt chú trọng tới các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi mà hiện nay, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ.

Trong dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng lần này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm một số chế tài xử lý vi phạm hành chính như đưa vào danh sách công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành nghề có hành vi vi phạm pháp luật, quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp người tiêu dùng, bổ sung quyền khởi kiện vì lợi ích người tiêu dùng và quyền lợi được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Đa số các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi theo Tờ trình của Chính phủ, xu hướng các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ, nhiều vụ việc đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.

Báo cáo về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy: Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.Những vụ việc trên chỉ là một phần nhỏ và mới chỉ phản ánh được phần nào thực trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Có thể nói rằng người tiêu dùng Việt Nam hiện đang phải sống trong một môi trường mà mức độ không an toàn có xu hướng ngày càng gia tăng, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm ngày càng nhiều.

Trình bày về các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Hiện nay, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng còn mang tính tuyên ngôn, khó thực hiện. Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các quyền của người tiêu dùng một cách chung chung mà chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này. Chính vì vậy, mà công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Quy định của pháp luật hiện hành chưa xây dựng được một cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Cần làm rõ vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng còn chưa rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo Luật mới thể hiện quan hệ của nhà sản xuất và người tiêu dùng, cần có quy định vai trò quản lý Nhà nước trong dự thảo Luật. Đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng, bản thân người tiêu dùng không thể tự bảo vệ được mình mà phải cần tới bàn tay can thiệp; quản lý của Nhà nước. Như sản phẩm sữa, ngoài vấn đề chất lượng, thì việc giá cao như thời gian qua bắt buộc Nhà nước phải can thiệp. Trong giai đoạn đất nước ta bước vào nền kinh tế thị trường như hiện nay, vai trò của nhà nước là cần thiết cho tới khi các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng mạnh lên.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho rằng: Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng phải định rõ trách nhiệm trực tiếp, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhà nước, bên cạnh đó cũng phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Quyền của người tiêu dùng phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác. Về các biện pháp giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, Ủy ban KHCNMT nhất trí với việc dự thảo Luật đã đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn cơ chế để cơ quan nhà nước có thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định rõ loại khiếu nại được giải quyết tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, phân biệt “khiếu nại” được thực hiện theo quy định của Luật này với khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; quy định rõ “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương” với “cơ quan quản lý chuyên ngành” là những cơ quan nào.

Về các biện pháp giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, Ủy ban KHCNMT nhất trí với việc dự thảo Luật đã đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính.

Về thủ tục xét xử các vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban KHCNMT nhận thấy: Giải quyết tranh chấp tại Tòa án luôn được xem là một phương thức hữu hiệu để người tiêu dùng sử dụng nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, cơ quan phát thanh, truyền hình, cơ quan tư pháp… Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc phân công, phân cấp của Chính phủ, cho cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội cũng nghe về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Dự thảo Luật gồm 13 chương và 163 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính đuợc quy định trong dự thảo Luật: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật theo hướng dành quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án cho người dân mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Về dự thảo Luật Viên chức, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, đây là một dự thảo Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực xã hội trong nước. Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Viên chức cũng đề nghị có những quy định mang tính định hướng cho việc tổ chức, phương hướng sắp xếp, quản lý đối với toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cũng như phát triển đội ngũ viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng cơ chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực