Việt Nam – Anh tăng cường phối hợp phòng chống nạn buôn bán người và nô lệ

Thứ tư, 29/03/2017 22:04
(ĐCSVN) – Ngày 29/3, tại Đà Nẵng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Chương trình hành động của Liên hợp quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UN-ACT) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại".

Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: KS)

Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các bộ và cơ quan chính phủ Việt Nam; Bộ Nội vụ Anh; các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và quốc tế; cùng các chuyên gia về tội phạm nô lệ thời hiện đại và buôn bán người đến từ Anh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông David Pennant, Cán bộ cao cấp đặc trách Việt Nam, Bộ Nội vụ Anh cho biết, phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại luôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Anh. Chính vì vậy, nước Anh đã thông qua Bộ luật nô lệ thời hiện đại vào năm 2015. Đây là Bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới về nộ lệ thời hiện đại, cung cấp cho các cơ quan hành pháp những công cụ mạnh hơn để xóa bỏ nạn nô lệ, đảm bảo những kẻ chủ mưu và buôn bán người sẽ phải nhận những hình phạt nặng thích đáng và tăng cường bảo vệ, trợ giúp nạn nhân.

Đối với Việt Nam, ông David Pennant đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan Việt Nam trong các hoạt động đối phó với loại tội phạm buôn bán người. Thời gian qua, Việt Nam và Anh đã có nhiều hoạt động phối hợp trong phòng chống nạn buôn bán người và có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trong hợp tác phòng chống buôn bán người. Chính vì vậy, sự kiện sẽ một lần nữa mở ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong công cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán người và nô lệ thời hiện đại.

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong việc nhận diện, điều tra và triệt phá tội phạm nô lệ thời hiện đại. Trong đó, nhiều hình thức nô lệ từ thời xa xưa vẫn còn tồn tại đến ngày nay và đang được ngầm sử dụng, che dấu khỏi sự nhận biết của cộng đồng. Nô lệ thời hiện đại là một trong các loại tội phạm tồi tệ nhất xâm phạm quyền con người, gạt bỏ những quyền tự do chủ yếu, cơ bản nhất của mỗi người. Nạn nhân có thể bị buôn bán để lấy nội tạng, trẻ em bị bắt cóc khỏi gia đình, bị tước bỏ tuổi thơ, bị lạm dụng tình dục, phụ nữ bị ép buộc bán dâm, làm vợ cho những người không quen biết... Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Công an cho biết, từ năm 2011 đến nay, Công an Việt Nam đã khám phá hơn 2.000 vụ, 3.200 đối tượng lừa bán gần 4.000 nạn nhân (trên 80%) các vụ ra nước ngoài. Việc mua bán người thông qua việc xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ. Hành vi mua bán người chủ yếu là mua bán phụ nữ để làm vợ hoặc ép làm hoạt động mại dâm; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; Xuất cảnh hợp pháp sang các nước bằng con đường du lịch, thăm thân, sau đó bán sang nước thứ ba.

Các chuyên gia cho rằng, nạn mua bán người là do tình hình mất cân bằng giới tính, thiếu lao động phổ thông ở một số nước có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, những người lao động thường có trình độ thấp, thiếu thông tin và thiếu các kỹ năng ứng phó… Một lý do nữa khiến tình trạng buôn bán người diễn ra là thiếu sự hiểu biết đầy đủ về định nghĩa của nô lệ thời hiện đại, điều này càng làm cho việc nhận diện nạn nhân hoặc điều tra vụ việc trở nên khó khăn.

Để hạn chế tình trạng trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý tưởng về tăng cường hợp tác xuyên biên giới, hợp tác giữa các đối tác và các cơ quan liên ngành trong vấn đề phòng chống buôn bán người. Về phía Việt Nam, các đại biểu đề nghị Bộ luật Hình sự Việt Nam cần được sửa đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm triệt phá tận gốc nạn buôn bán người. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội để giúp đỡ nạn nhân cải thiện đời sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Chương trình hành động của Liên hợp quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UN-ACT) thành lập năm 2014, được xây dựng dựa trên những hoạt động của Liên minh phòng chống buôn bán người Liên hợp quốc (UNIAP) thực hiện từ năm 2004 nhằm đảm bảo một sự tiếp cận có điều phối, chiến lược và hiệu quả hơn trong việc chống lại nạn buôn bán người ở các nước trong Khu vực tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng. UN-ACT đóng vai trò như Ban thư ký cho Sáng kiến hợp tác cấp bộ trưởng các quốc gia Vùng Sông Mê Kông về phòng chống buôn bán người (COMMIT) và là một chương trình liên chính phủ của sáu quốc gia trong Khu vực tiểu vùng Sông Mê Kong mở rộng (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam)./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực