Xây dựng hoạt động đo đạc bản đồ cần đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng ​

Thứ ba, 12/09/2017 17:45
(ĐCSVN) – Sáng 11/9, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

 

Bộ trưởng  Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp thứ 14 của UBTVQH sáng 12/9. Ảnh: BL

Theo tờ trình dự án Luật của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày, thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật đo đạc và bản đồ. Ngày 28/11/2016, tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thảo luận, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đo đạc và bản đồ. Ngày 24/01/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Đánh giá hoạt động đo đạc và bản đồ thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là  hoạt động có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia. Đồng thời hoạt động này cũng là cơ sở để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành đáp ứng trực tiếp nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu của xã hội.

Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn. Bởi vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc bổ sung, xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

Trên cơ sở đó, dự án Luật Đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ) được xây dựng gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên còn một số nội dung cần chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, như: Điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ, giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ…

Về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động ĐĐ&BĐ được quy định tại dự thảo Luật tương đối chặt chẽ và đầy đủ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, quy định các tổ chức trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động ĐĐ&BĐ cần phải có giấy phép hoạt động. Đồng thời, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, việc giao Chính phủ quy định danh mục các hoạt động ĐĐ&BĐ phải có giấy phép là chưa thực sự hợp lý vì ngành ĐĐ&BĐ đã có bề dầy lịch sử từ khá lâu, các hoạt động ĐĐ&BĐ đến nay đã khá ổn định, danh mục này đã được quy định tại Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ việc xây dựng dự thảo Luật dựa trên tổng kết việc thực hiện Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ. Bởi Nghị định 45 mới thi hành được một thời gian ngắn; Tờ trình dự án Luật cần phải nêu rõ được những bất cập hiện nay để thấy được việc ra đời của Luật Đo đạc và bản đồ là cần thiết, tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực này.

Về quản lý nhà nước hoạt động đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, dự thảo Luật đã quy định phân công, phân cấp khá rõ ràng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và UBND các cấp trong quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định một số nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương phải có sự thống nhất hoặc có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT về hoạt động ĐĐ&BĐ.

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự thảo Luật đã có một số quy định nằm rải rác tại các điều nhưng trước tầm quan trọng của hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan tới quốc phòng an ninh quốc gia, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định để bảo đảm chặt chẽ đối với các vấn đề liên quan tới quan tới an ninh, quốc phòng.Cần rà soát thêm để có đầy đủ các quy định đối với một số hoạt động đo đạc, bản đồ, nếu ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì phải quy định có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vấn đề này để quản lý. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, hiện đang có xu hướng sử dụng thiết bị bay không người lái để thực hiện đo đạc kỹ thuật. Để quản lý lĩnh vực này thì cần có quy định cụ thể về quản lý các phương tiện bay.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên ở một khía cạnh khác Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thấy rằng dự án Luật cần có các chính sách để cụ thể thực hiện việc Nhà nước ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo nhân lực trình độ cao.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng, giống như Luật quy hoạch, Luật đo đạc và bản đồ sẽ liên quan tới nhiều luật khác. Đặc biệt, việc đo đạc, bản đồ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh quốc phòng, nên vấn đề bảo mật cần được đặc biệt chú ý với các quy định cụ thể nhằm đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng của đất nước.

Theo Chương trình, chiều nay, UBTVQH cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực